Kể từ khi bộ phim "Dấu chân du mục" lên sóng truyền hình với những cảnh đẹp về cuộc sống dân du mục xứ nắng gió, nhiều du khách đã tìm về Ninh Thuận để được tận mắt khám phá, chụp ảnh với những đàn cừu hay đi dạo trên cánh đồng với khung cảnh hùng vĩ.
Đa phần người dân tộc chăn thuê và chia lãi sau khi bán cừu cho các ông chủ lớn. Ảnh: Trần Bình An |
Thật không khó để tìm những đàn cừu chăn thả trên đồng, đường làng, quốc lộ, khu vực triền núi, trang trại rộng lớn…Thế nhưng chỉ có khu vực đồng cừu An Hòa thuộc thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, mới có số lượng cừu lớn và khung cảnh đẹp nhất.
Để đến được đây, bạn phải vượt qua quãng đường khoảng 15 km từ Phan Rang theo hướng quốc lộ 1A đi Nha Trang, sau đó rẽ trái vào đường Lương Cách hướng đi thôn An Xuân, chạy thẳng rồi nhìn tay phải bạn sẽ thấy đập nước Thành Sơn, rẽ vào đó để tìm kiếm các trang trại cừu.
Bạn nên đi sớm, đến đây khoảng từ 6h30 đến 7h để tìm hiểu thêm về cuộc sống của loài cừu và dân du mục chăn cừu thuê cho các ông chủ. Sau khi nắng vừa lên tầm 8-10h, sương đã khô, họ mới mở chuồng trại thả cừu ra đồng ăn cỏ. Khi đó bạn sẽ có cơ hội tận mắt thấy từ những con cừu kêu “be be” thất thanh nhanh chân vụt ra khỏi trang trại để chạy ra cánh đồng nhởn nhơ dùng bữa "điểm tâm".
Những trang trại cừu nơi đây có nơi lên đến cả nghìn con, mỗi đợt thả chuồng, chúng đi theo một đường dài như đang hành quân xung trận. Từ xa nhìn lại, bạn chỉ thấy những chiến binh màu trắng, sẫm đen vì bùn đất xen lẫn khói bụi mịt mù phía sau. Sẽ thiếu sót nếu không chụp được những bức ảnh của khoảnh khắc đẹp này.
Cừu tập trung nhiều ở khu vực Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Hải… Ảnh: Xuân Lộc |
Dân du mục chăn cừu từ 8 đến 11h trưa, sau đó cho chúng uống nước và nghỉ ngơi ngoài đồng cỏ. Buổi trưa họ tìm những bóng mát, bụi cây để ăn trưa tạm bợ bên chiếc cà men cơm mang theo lúc sáng. Buổi chiều lại tiếp tục công việc lùa cừu đi đến một số đồng khác cho ăn và khoảng 5h chiều là lùa chúng về lại trang trại để chuẩn bị bữa ăn “dặm” - chủ yếu là cỏ trồng hoặc đi cắt nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho đàn cừu mau lớn.
Cừu ở Ninh Thuận chủ yếu nuôi lấy thịt, lông không được sạch và trắng như các loài cừu thường thấy ở nước ngoài vì chúng ăn ngoài đồng, lội bùn nước và không được tắm rửa. Một số đàn cừu ở An Hòa cũng trắng sạch vì sau khi ăn chúng đến uống nước và tắm ở đập Thành Sơn gần đó, nên lông cừu tương đối đẹp và không hôi.
Cừu là động vật sống ở vùng khô hạn Ninh Thuận, tập trung nhiều ở khu vực Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Hải… Mỗi năm, con cái thường sinh từ 1 đến 3 con, nuôi 8-9 tháng thường nặng khoảng 35-40 kg. Những dân du mục chăn thuê cừu cho các ông chủ lớn đa số là người dân tộc. Họ bỏ công sức chăn nuôi cừu cho lớn, sau đó bán ăn chia lãi với chủ theo tỷ lệ 4:6 hoặc 3:7.
Có dịp đến Ninh Thuận vào những dịp cuối tuần, bạn nên một lần tìm đến các trang trại, đồng cừu để trải nghiệm thêm cuộc sống của dân du mục, đồng thời in dấu gót chân, ghi lại khoảnh khắc đẹp, vui tươi. Những buổi chiều lộng gió, giữa bốn bề chỉ có đồng cỏ, núi non, đồng ruộng lúa và đàn cừu đang gặm cỏ hòa trong cái nắng dịu nhẹ, bạn sẽ cảm thấy yên bình và sâu lắng.
Xem thêm: Cuộc sống của những chú cừu ở Ninh Thuận
Theo Ngôi sao