Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

4 mốc chinh phục cần xin giấy phép


Ngoài sức khỏe và các trang thiết bị cần thiết, giấy phép là điều bắt buộc phải có khi chinh phục những mốc sau.

1. Đỉnh Fansipan

Fansipan là đỉnh núi cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn (3.143m) nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Để leo Fansipan, du khách thường xuất phát từ thị trấn Sa Pa và mất khoảng 3 ngày chinh phục. Trước khi leo, bạn cần đến Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Hoàng Liên để xin giấy phép. Trung tâm nằm trên đường xuống khu du lịch Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa. Ngoài ra, tại đây bạn cũng phải đóng 150.000 đồng cho tuyến leo núi Fansipan và một số khoản lệ phí như bảo hiểm, vệ sinh, giám sát, lưu trú...

Hinh-1-7938-1381719766-jpg.png

Du khách phấn khích khi đặt chân lên nóc nhà Đông Dương. 

Đường leo Fansipan có 3 tuyến được cấp phép phổ biến với nhiều phượt thủ, gồm từ Trạm Tôn, từ San Sả Hồ - bản Sín Chải, từ bản Cát Cát. Tùy từng thời điểm mà Trung tâm cho phép bạn leo theo tuyến nào. Tuy nhiên nếu đăng ký leo Fansipan theo tour thì họ sẽ đảm trách việc xin giấy phép.

2. Đỉnh Pu Si Lung

Pu Si Lung (hay Phu Si Lung) là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giữa biên giới Việt - Trung. Độ cao chính xác của ngọn núi này đến nay vẫn còn là một ẩn số. Tại một số diễn đàn, Pu Si Lung được biết đến với chiều cao 3.076m hay 3.083m sau khi một số thành viên chinh phục thành công. Tuy nhiên, đến nay những đoàn phượt chạm tay được mốc này còn rất ít do địa hình trắc trở và khó xin được giấy phép.

Quy-Coc-Tu-1_1421660444.jpg

Đỉnh Pu Si Lung nhìn từ cột mốc 42. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Nếu quyết tâm, việc đầu tiên là bạn cần chuẩn bị chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp (đó có thể là giấy tạm vắng hoặc giấy giới thiệu của đơn vị công tác). Sau đó, bạn mang chúng đến Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu trên đường Hoàng Văn Thái, thành phố Lai Châu vào giờ hành chính để xin giấy phép. Giấy này sẽ được trình báo tại đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử và bạn sẽ được đồn bố trí người dẫn đường đến cột mốc 42 và đỉnh Pu Si Lung.

Một điều quan trọng khi xin giấy phép từ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu là bạn phải nói rõ mục đích, nội dung, thời gian, danh sách người, phương tiện, phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới.

3. Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử

Mặc dù sở hữu độ cao "khủng" trên 3.000m nhưng Bạch Mộc Lương Tử nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu vẫn là cái tên còn khá mới mẻ với nhiều phượt thủ. Để chinh phục, bạn cần khoảng 3 ngày 2 đêm. Có hai đường cho bạn lựa chọn, một là từ bản Kỳ Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Hai là từ bản Dền Sung, Xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Xem chi tiết tại đây)

Bach-Moc-Luong-Tu-hachi8_1421660292.jpg

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử trên ngàn mây. Ảnh: Hachi8

Trong khi hướng Lào Cai hiện vẫn chưa cần giấy giới thiệu thì hướng đi từ Lai Châu, bạn phải xin giấy giới thiệu từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, rồi vào trình báo với biên phòng địa phương tại bản Dền Sung. Cách xin giấy phép tương tự như Pu Si Lung nhưng có phần dễ dàng hơn.

4. Cực Tây A Pa Chải

Thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, A Pa Chải được biết đến là cực Tây Tổ quốc. Tuy không quá cao nhưng đường chinh phục A Pa Chải không hề dễ dàng, đòi hỏi sức khỏe và lòng quyết tâm. Ngoài quãng đường di chuyển bằng các loại phương tiện khác nhau đến thành phố Điện Biên Phủ, rồi xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, bạn sẽ phải đi bộ chừng 4-5 km để lên đến cột mốc phía Tây. (Xem chi tiết tại đây)

Dieu-Huyen.jpg

Cột mốc nơi "một con gà gáy, ba nước đều nghe". Ảnh: Diệu Huyền

Do vị trí giáp biên giới lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc nên để đến đây, bạn cũng phải chuẩn bị trước một số giấy tờ nhất định. Trước đây, việc chạm mốc phía Tây phải có giấy xin phép của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên. Nhưng hiện nay, bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe... Nếu đi theo đoàn đông, bạn nên cẩn thận xin giấy giới thiệu từ công ty.

Vy An