Phải đi nơi khác mưu sinh, người xứ Quảng (gồm Quảng Nam và Quảng Ngãi) vẫn mang bên mình các món ăn ngon, hấp dẫn của quê hương. Nhiều món trong số đó nay trở nên quen thuộc đến nỗi dễ dàng tìm thấy ở khắp miền đất nước.
Don
Nếu không phải người gốc Quảng, bạn sẽ khó lòng biết đến món này. Don vốn là món ăn dung dị chỉ gồm nước, hành tây và những con don nhỏ xíu. Khi ăn, thực khách bẻ bánh tráng gạo nướng giòn thành nhiều phần nhỏ rồi cho vào tô don nóng. Don khá giống con hến nhưng nhỏ hơn và có vị lạ, ngon. Đơn giản là vậy, nhưng ai từng ăn don một lần sẽ nhớ mãi.
Don là món ăn đơn giản nhưng ai từng nếm thử lại thấy quyến luyến kỳ lạ. Ảnh: Khánh Hòa |
Ram tôm
Nguyên liệu chế biến ram tôm thường chỉ gồm thịt ba chỉ, tôm đồng, bánh đa nem vừa, trứng gà cùng với nhiều loại gia vị. Những thành phần này được cuốn trong chiếc bánh đa, sau đó chiên lửa nhỏ, chờ chín vàng đều. Khi thưởng thức ram tôm, bạn sẽ cảm nhận độ béo ngậy, thơm của thịt và vị giòn từ tôm. Món này thường được ăn chung với rau sống.
Món ram ăn ngon hơn khi kèm với rau sống và nước chấm đặc biệt. Ảnh: Thảo Nghi |
Cao lầu
Lâu nay, tên tuổi món cao lầu thường gắn liền với Hội An. Nhiều người không biết hay nhầm tưởng cao lầu và mì Quảng giống nhau, nhưng thực chất cách chế biến, mùi vị lại khác nhau.
Cao lầu có sợi mì màu vàng hoặc hồng, dùng chung với thịt heo, tôm, các loại rau sống. Sợi mì chiên giòn, đặc biệt nước dùng rất ít. Nhiều người thường ăn cao lầu với giá đỗ trụng nhưng phải giữ được độ giòn sộp.
Cao lầu rất ít nước nhưng khi ăn lại có hương vị đậm đà và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa |
Mì Quảng
Sợi mì Quảng được chế biến từ bột gạo, bản to, ăn mềm và dai. Khi dùng mì Quảng, người ta thường kèm với sườn, gà, tôm... Nước dùng món này chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, rau ăn kèm cũng khá đa dạng như cải con, húng lủi, quế xanh... Mì Quảng được xem là món ăn đặc trưng và phổ biến nhất Quảng Nam.
Mì Quảng ngày nay nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và dễ tìm mua ở nhiều nơi. Ảnh: Diệu Huyền |
Bánh tổ
Đây là loại bánh đặc sản, truyền thống lâu đời của người dân xứ Quảng mỗi mùa Tết đến. Nguyên liệu chế biến chỉ gồm nếp và đường. Muốn làm bánh tổ ngon, người đầu bếp phải chọn nếp thật kỹ, phơi khô rồi xay thành bột. Bột nếp và đường đem nấu kỹ rồi nêm chút gừng tươi để tăng thêm vị, sau đó mới hấp chín. Tùy vào lượng đường nhiều, ít mà bánh tổ có màu vàng sậm hay nhạt.
Loại bánh này thường được dùng để cúng ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết đến. Ảnh: amthuc360 |
Tường Ý