Khí hậu Sài Gòn mấy ngày nay trở nên mát mẻ, thỉnh thoảng còn se lạnh. Cả gia đình hoặc nhóm bạn thân ngồi quay quần quanh nồi lẩu nóng hổi, vừa trò chuyện vừa ăn mê say đúng là lựa chọn lý tưởng. Dưới đây là 5 món lẩu bạn sẽ thấy ngon hơn khi thưởng thức trong tiết trời thanh mát.
1. Lẩu Thái chua cay
Ở Sài Gòn, khi vào quán người ta đã quá quen thuộc với món lẩu Thái chua cay. Nhất là vào những buổi tối trời mát, ngồi dưới hiên quán xì xụp húp nước lẩu cay nồng mới cảm nhận được không khí. Hương vị lẩu Thái tuy cay nhưng lại hấp dẫn ngon miệng. Nguyên liệu chính của lẩu Thái là hải sản, cùng với gia vị món lẩu, thơm ngào ngạt mùi đặc trưng như gừng, lá chanh và ớt. Nước lẩu Thái là sự kết hợp của vị chua đặc trưng của lẩu và ngọt từ nước hầm... Lẩu Thái thường được ăn kèm với bún, bắp chuối, rau muống, bắp non, nấm kim châm.
Lẩu Thái có hương vị đặc trưng với hương thơm của riềng và sả nên không thể lẫn với bất kỳ loại lẩu nào khác. Ảnh: eva |
2. Lẩu riêu cua bắp bò
Lẩu riêu cua bắp bò gồm nước dùng nấu từ cua đồng và bắp bò, thêm vào các loại rau xanh như mồng tơi, rau muống, đậu hủ non, trứng vịt lộn và bánh đa cua. Cua được rửa sạch bùn đất, tách riêng gạch và xay nhuyễn thịt, lọc lấy nước và nấu. Nước dùng có vị ngọt, vị hăng đặc trưng. Bạn chỉ cần đun sôi nước dùng sẽ làm dậy mùi riêu cua, kích thích dạ dày. Nhiều người khi thưởng thức lẩu riêu cua, thường đập thêm một trứng hột vịt lộn để tăng vị ngọt cho nước, sau đó thêm rau, đậu hủ, bánh đa cua và chả cua vào nồi. Hễ ai muốn ăn thì múc một ít ra chén, nhúng thịt bò vào gắp ra liền và cho vào miệng.
Lẩu riêu cua bắp bò vị thơm lừng ăn kèm với bún và rau thơm. Ảnh: muachung |
3. Lẩu mắm rau đắng
Lẩu mắm là đặc sản miền tây, nhưng vì có vị thơm ngon nên được nhiều người Sài Gòn yêu thích. Nước dùng của lẩu tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn, mùi thơm nồng nàn của mắm hòa quyện với nước xương tạo nên sức hút cho món này. Những khi nhạt miệng, không muốn ăn cơm, bạn có thể cùng bạn bè đi ăn lẩu mắm. Nồi lẩu nắm không thể thiếu cà tím và mắm kèm với các loại nguyên liệu như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Chưa hết, để ăn lẩu mắm ngon bạn không nên kiêng kỵ bất cứ loại rau nào mà nên dễ tính để cảm được hương vị. Rau kèm với lẩu mắm là rau đắng, rau nhút, đậu rồng, cù nèo...
Lẩu mắm được ăn kèm với nhiều loại rau nhưng ngon nhất chính là rau đắng. Ảnh: depplus |
4. Lẩu cá kèo lá giang
Có vị chua chua, thơm thơm nên lẩu cá kèo dù là món của miền tây nhưng trở nên phổ biến ở nhiều vùng miền, trong đó có Sài Gòn. Cá kèo tươi, thịt mềm ngọt, vị lá giang chua nhè nhẹ cộng thêm vị chua của cà, thơm, ăn kèm với rau xanh giòn ngon tuyệt vời. Yếu tố quyết định lẩu cá kèo là nước lẩu đậm đà, ngọt lừ và hương thơm ngây ngất. Bạn cho một chút bún vào chén, chan nước lẩu vào, gắp cá kèo trong nồi ra đĩa nước mắm và giẻ ăn. Trước đây, nhiều người thích cho cá kèo còn sống vẫy vùng vào nồi nước sôi sùng sục, nhưng về sau nhiều người đã bỏ hẳn việc chứng kiến cảnh này vì nhiều lý do. Trời lành lạnh, có chút mưa ngoài sân mà còn được thưởng thức lẩu cá kèo thì không gì thú vị bằng.
Vị lẩu chua chua và thịt cá kèo mềm mềm khiến món lẩu này rất được người Sài Gòn yêu thích. Ảnh: vmode |
5. Lẩu dê
Ở Sài Gòn có rất nhiều quán bán món lẩu dê gồm nước lẩu và những miếng thịt dê mềm ngọt. Bạn vừa gắp miếng thịt cho vào miệng nhai, lại nhẹ nhàng cho thêm chút mì và húp miếng nước lẩu. Lẩu dê được đặt trên lò cồn nên lúc nào cũng nóng hổi, nghi ngút khói. Khi vào quán gọi lẩu dê, người bán thường mang ra cho bạn thêm một mâm đồ ăn kèm như đậu hủ, mì căn, hột vịt lộn, cật, rau sống đủ loại. Ăn loại nào bạn mới tính tiền loại đó. Nhiều người có thể không chọn cật hoặc hột vịt lộn, nhưng rau thêm thì không thể thiếu.
Thịt dê đúng có vị mềm rất thích hợp để ăn vào mùa lạnh. Ảnh: sg24h |
Thảo Nghi