Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Báo động bom laptop trên máy bay được cài để khủng bố


Hiện các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động đều bị cấm xách tay lên các chuyến bay thẳng đến Mỹ từ 10 phi trường ở 8 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Jordan, Kuwait, Ma Rốc, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách mới của Mỹ, được công bố vào ngày 21.3 và có hiệu lực từ 24.3, áp dụng với mọi thiết bị di động ngoài smartphone, từ laptop, máy tính bảng, máy ảnh, máy chơi game cầm tay, với ngoại lệ duy nhất là thiết bị y tế.
Nghe qua có vẻ như giới tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ tỏ ra quá khắt khe với một số hãng hàng không quốc gia của các nước đồng minh tại Trung Đông. Tuy nhiên, những gì mà các nguồn thạo tin cung cấp cho giới truyền thông Mỹ khiến người ta thậm chí đặt ra câu hỏi rằng lệnh cấm như thế liệu đã đủ mạnh hay chưa?

Phát hiện “dựng tóc gáy”

Theo Đài CNN, thông qua một loạt cuộc thử nghiệm được tiến hành vào cuối năm ngoái, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện chất nổ có thể được nhồi vào pin laptop nhưng vẫn cho phép máy tính xách tay khởi động bình thường và duy trì hoạt động cho đến lúc lên máy bay. Không những thế, thuốc nổ có thể được nhồi bằng các công cụ đơn giản thường xuất hiện trong các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, FBI cũng kiểm tra xem loại bom laptop mới có thể qua mặt được những đời máy quét an ninh cụ thể hay không. Đây là các hệ thống kiểm tra được Cơ quan An ninh giao thông Mỹ phê duyệt và đang sử dụng rộng rãi tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới. Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Kết quả cho thấy những tổ chức khủng bố như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chế tạo những loại bom laptop phức tạp, dễ dàng qua mặt máy quét an ninh. Một quan chức Mỹ mô tả đây là những phát hiện “dựng tóc gáy”.

“Do đây là vấn đề về chính sách, chúng tôi không công khai thảo luận những thông tin tình báo cụ thể. Tuy nhiên, công tác đánh giá dữ liệu tình báo thu được cho thấy các tổ chức khủng bố tiếp tục nhằm vào hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm âm mưu cài bom vào các thiết bị điện tử”, theo Đài CNN dẫn một tuyên bố của Bộ An ninh nội địa Mỹ. Về việc chỉ giới hạn lệnh cấm ở sân bay 8 nước Trung Đông và Bắc Phi, giới hữu trách Mỹ đưa ra lý do rằng kết quả thu thập tình báo cho thấy nguy cơ ở những nơi này cao hơn cả.
Báo động sân bay ở Anh
Không lâu sau khi các thông tin tình báo của Mỹ được tiết lộ, truyền thông Anh đưa tin các sân bay và nhà máy điện hạt nhân ở nước này đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ vì nguy cơ tấn công khủng bố. Tờ The Telegraph hôm qua cho hay trong vòng 24 giờ trước đó, giới chức an ninh Anh đã phát đi hàng loạt mệnh lệnh yêu cầu mọi sân bay và nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước này phải siết chặt những biện pháp đề phòng, nhất là khi bọn khủng bố được cho là có thể vượt qua các hàng rào an ninh bảo vệ những cơ sở này. Các chỉ thị tăng cường an ninh ở Anh được ban hành trong lúc nước này vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng cảnh báo ở mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ 4 trong số 5 cấp độ đe dọa khủng bố, được áp dụng kể từ vụ tấn công trên cầu Westminter vào chiều 22.3, khiến 4 người chết và hơn 50 người bị thương.
Rõ ràng các cơ quan tình báo Anh đã bị đánh động bởi những báo cáo do tình báo Mỹ cung cấp về khả năng IS và các tổ chức khủng bố nguy hiểm tìm được cách cấy thuốc nổ vào laptop. Hồi tháng 3, chỉ vài giờ sau khi Mỹ ban hành chính sách cấm mang thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động lên máy bay, đến lượt Anh ban hành lệnh cấm tương tự, áp dụng đối với 6 nước là Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia, theo Reuters.
Vào năm ngoái, al-Shabaab, một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Somalia có liên hệ với al-Qaeda, đã kích hoạt một quả bom trên chuyến bay từ Mogadishu đến Djibouti. Chất nổ được giấu bên trong bộ phận chứa ổ DVD của laptop. Quả bom đã thổi tung một ô cửa sổ máy bay cùng với kẻ mang bom, nhưng những người còn lại trên khoang may mắn thoát nạn sau khi máy bay hạ cánh an toàn.

theo thanhnien.vn

Xem thêmKHÔNG THỂ HẠ CÁNH VÌ CHÓ CHẠY TRÊN ĐƯỜNG BĂNG