Khi đặt chân đến Đông Nam Á và muốn khám phá lịch sử, văn hóa, du khách nên ghé thăm những điểm dưới đây:
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP HCM, Việt Nam
Là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất ở TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một minh chứng đanh thép về những mất mát tổn thương của chiến tranh.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những điểm đến yêu thích của du khách khi đến TP HCM. |
Nơi đây trưng bày một bộ sưu tập hình ảnh, vũ khí cùng đồ tạo tác lớn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài ra, bảo tàng còn rất nổi tiếng với những mô phỏng chi tiết và sống động như hình ảnh tái tạo tù nhân trong chuồng cọp, mang đến cho bạn cái nhìn chân thật về lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng lịch sử AERA, Villa Escudero, Philippines
Cách thủ đô Manila khoảng 2 tiếng xe chạy, bảo tàng AERA hay còn gọi là bảo tàng Villa Escudero mở cửa cho công chúng từ năm 1981. Thực chất, nơi đây vốn là một bộ sưu tập cá nhân được những chủ nhân của khu đất biến thành phòng trưng bày.
Một trong những điểm tham quan chính là những tác phẩm nghệ thuật về tôn giáo từ thời đô hộ của Tây Ban Nha. Vật phẩm trưng bày của bảo tàng tương đối đa dạng, bao gồm gốm sứ phương Đông, quần áo quý tộc cùng những đồ nội thất gia đình được chủ nhà sưu tầm khi họ đi du lịch vòng quanh thế giới.
Vào năm 1987, bộ sưu tập khổng lồ này từng được di dời đến một nhà thờ bản sao của nhà thờ Intramuros nổi tiếng tại Manila.
Công viên Phật giáo, Vientiane, Lào
Đây là một công viên điêu khắc với hơn 200 bức tượng Phật giáo và Hindu giáo. Tuy nhiên, điểm lạ lùng của công viên này chính là một khu vực đặc biệt thể hiện sự tương tác giữa hai tôn giáo, ví dụ như những bức tượng Phật có nhiều tay, một đặc trưng của các vị thần Hindu. Đây chính là thành tựu của nhà sư – pháp sư Luang Pu Bunleua Sulila, người có công xác nhập Phật giáo vào Hindu giáo trong các bài thuyết pháp của mình, đồng thời cũng là người sáng lập ra công viên năm 1958.
Khu vườn tượng Phật nổi tiếng bởi vố số tượng Phật với nhiều khuôn mặt và tư thế khác nhau được thể hiện hoàn toàn bằng chất liệu xi măng. |
Cánh đồng chết Choeung Ek, Phnom Penh, Campuchia
Địa điểm có phần tăm tối này gợi nhắc cho du khách về những năm 1975 – 1978 ở Campuchia. Hơn 17,000 đàn ông, phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh đã bị quân Khmer Đỏ đưa đến những khu hành quyết tập thể ở Choeung Ek.
Có gần 9.000 di thể đã được phát hiện và biến nơi đây trở thành đài tưởng niệm chung của các nạn nhân. Những tòa tháp từ xương cốt chính là lời nhắc nhở tới nhân loại một sự kiện đẫm máu và lời cầu khẩn những việc như vậy sẽ không tái diễn.
Bảo tàng nghệ thuật Neka, Ubud, Bali, Indonesia
Bảo tàng nghệ thuật Neka tự hào sở hữu một bộ sưu tập phong phú và là lựa chọn thích hợp cho bất kì ai muốn tìm hiểu về sự phát triển của hội họa tại Bali. Những tác phẩm nghệ thuật đương đại Indonesia tại sảnh chính tôn vinh nghệ thuật ngoài vùng Bali.
Một tác phẩm đặc sắc được trưng bày trong bảo tàng. |
Ngoài ra, có hẳn một gian trưng bày của họa sĩ Arie Smit, một người Indonesia được sinh ra tại Hà Lan. Các nghệ sĩ quốc tế và các nhiếp ảnh gia cũng có gian trưng bày riêng; chưa kể đến gian trưng bày nghệ thuật đương đại dành cho các buổi triển lãm nghệ thuật lưu động.
Bảo tàng di sản Baba-Nyonya, Malacca, Malaysia
Bảo tàng di sản Baba-Nyonya, một di sản quốc tế được UNESCO công nhận, nằm tại thành phố Malacca và được mở cửa từ năm 1985. Trước đây, nơi này vốn là tài sản riêng của bốn thế hệ chủ nhân trước khi trở thành một bảo tàng.
Xung quanh sự hình thành của bảo tàng là rất nhiều câu chuyện thêu dệt về lịch sử và cuộc đời của baba Chan Cheng Siew, một nhân vật có tư tưởng phóng khoáng và là hình ảnh đặc trưng cho nền văn hóa của người baba-nyonya, hậu duệ của những người nhập cư Trung Quốc đã đặt chân đến đất Peninsular Malaysia khoảng thế kỷ 15 - 17.
Xem thêm: Bảo tàng Đông Nam Á mở cửa đón khách
Xuân Lộc