Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

Cẩm nang du lịch Cần Thơ từ A đến Z


Cần Thơ là một đô thị lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết hợp sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm, vườn trái cây trĩu quả và kiến trúc độc đáo của nhà cổ. Tất cả tạo nên vẻ đẹp sông nước đặc biệt không lẫn vào đâu, khiến người ta truyền tai nhau rằng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi tới đó lòng không muốn về”.

Thời gian

Với khí hậu điều hòa, dễ chịu du khách có thể đến với Cần Thơ mọi mùa trong năm. Tuy nhiên, nếu đến vào mùa hè du khách sẽ được thưởng thức các loại trái cây thơm ngon.

IMG-87434.jpg

Một sáng sớm trên cầu Cần Thơ. Ảnh: Mến Nguyễn.

Phương tiện di chuyển

Có 2 phương tiện chủ yếu để du khách mọi miền đến với đất Cần Thơ:

Hàng không: 2 hãng hàng không khai thác chuyến bay Hà Nội – Cần Thơ.

Vietnam Airlines: Giá dao động từ 2.400.000 đến 4.500.000 đồng một cặp vé khứ hồi. Ngoài ra, hãng còn khai thác các chuyến bay từ Cần Thơ đến Phú Quốc, Côn Đảo và ngược lại.

Vietjet Air: khai thác chuyến bay Hà Nội – Cần Thơ với giá trong khoảng 1.800.000 – 2.700.000 đồng một cặp vé vé khứ hồi. Du khách miền Trung cũng dễ dàng đến với Cần Thơ bằng chuyến bay Cần Thơ – Đà Nẵng bắt đầu phục vụ từ tháng 7/2014.

Đường bộ: Ôtô là phương tiện chủ yếu được hầu hết mọi người sử dụng tại miền Tây. Mất khoảng hơn 3 giờ từ TP Hồ Chí Minh, du khách đã đến được với Cần Thơ. Các hãng xe khách uy tín, nổi tiếng chuyên phục vụ du khách tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và ngược lại như Thành Bưởi, Phương Trang... (Cả 2 hãng xe đều có dịch vụ đưa đón khách tại nhà trong phạm vi 10 km). Giá vé dao động chỉ từ 130.000 – 140.000 đồng một vé.

Lưu trú

Để có một chuyến tham quan vui vẻ, thú vị và tiết kiệm, quý khách nên đặt chỗ khách sạn ngay sau khi lên lịch trình tham quan và trước khi đi. Giá khách sạn 2 - 3 sao dao động khoảng 400.000 - 1.000.000 đồng một đêm. Ngoài lựa chọn là nhà nghỉ, khách sạn du khách có thể thư giãn tại các homestay miệt vườn của vùng đất Cần Thơ với giá từ 420.000 đến 1.000.000 đồng một đêm.

Món ăn ngon

Lẩu mắm Dạ Lý: tọa lạc trên đường 3/2. Đây là quán mở khá lâu và có thâm niên trong việc nấu lẩu mắm. Nhiều người còn cho rằng: Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa đến Cần Thơ. Giá cho một suất lẩu mắm 4 người ăn khoảng 350.000 - 400.000 đồng.

Bánh xèo Mười Xiềm: Dùng bột nghệ pha với bột gạo cho có màu vàng rượm, cùng một ít nước cốt dừa, trứng gà, hành lá… Nhân bánh tùy theo sở thích của từng vùng, có thể là giá, củ sắn, bông điên điển, thịt ba rọi, tép thịt gà, thịt vịt bằm nhuyễn... Bánh xèo thường ăn kèm với nhiều loại rau như cải bẹ xanh, rau diếp cá, rau quế, tía tô, cải xà lách, lá lụa, đọt điều, đọt vừng, tram bần ồi, đọt cóc, lá bằng lăng, đọt sao nháy, đọt xoài, lá cách, lá lốt, đọt chùm ruột... Nước chấm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng vị ngon cho bánh. Phải chế sao cho đủ 3 vị chua, ngọt, cay, thêm củ cải trắng và củ cải đỏ xắt sợi để góp phần tăng thêm sự hấp dẫn của chén nước chấm. Địa chỉ: 13/3 đường 917, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, Cần Thơ.

Banh-Xeo-Muoi-Xiem-1636-1416025020.jpg

Những chiếc bánh xèo vàng suộm thơm ngon và bắt mắt. Ảnh: Bánh Xèo Mười Xiềm.

Vịt nấu chao:  Đây là món ăn kèm với mì sợi, tàu hủ, trứng… nếu muốn dùng thêm ngoài khẩu phần tiêu chuẩn thì bạn có thể gọi và tính thêm tiền, riêng nước dùng miễn phí. Giá cho một suất  4 người ăn khoảng 150.000 – 180.000 đồng. Địa chỉ ăn vịt nấu chao ngon: quán Kim Liên, Thành Giao hẻm 1, đường Lý Tự Trọng, Cần Thơ.

Nem nướng: Nem nướng làm bằng thịt heo nạc, quết thật nhuyễn cho thêm tí mỡ hạt lựu và hương liệu tỏi, đường, muối... vo viên bằng đầu ngón tay. Người bán xiên hoặc kẹp những viên thịt trên chiếc đũa tre đặt trên vỉ than hồng, mỡ nhỏ giọt xèo xèo bốc khói thơm phức. Giá suất ăn từ 45.000 đến 60.000 đồng. Địa điểm: Nem nướng Thanh Vân số 17 đại lộ Hòa Bình, Cần Thơ.

Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức. Đây món ăn kèm với rau sống, bánh tráng, bún…Giá một con cá lóc nướng từ 150.000 – 190.000 đồng tùy độ lớn nhỏ. Địa điểm: khu bờ hồ Xáng Thổi, Hoàng Văn Thụ….

Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ du khách chắc chắn phải thưởng thức ốc nướng tiêu. Món ăn dân dã rất được yêu thích của người Nam Bộ với nguyên liệu dễ tìm và cách chế biến cũng khá đơn giản. Giá một suất ốc nướng tiêu cho 2 người ăn là 50.000 – 80.000 đồng. Địa điểm: hầu hết các quán nướng tại thành phố Cần Thơ.

Điểm tham quan

Chợ nổi Cái Răng: Mất khoảng 30 phút từ Bến Ninh Kiều, du khách ngồi trên tàu máy theo dòng sông Hậu xuôi về chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm là điều mà bất cứ du khách thập phương nào cũng ao ước một lần được thực hiện. Chi phí thuê tàu tham quan dao động từ 300.000 đến 700.000 đồng mỗi tàu phụ thuộc số lượng khách. Thời gian hoạt động của chợ nổi từ 5 đến 9 giờ sáng, mặt hàng chủ yếu là nông sản, trái cây các loại, hành hóa, thực phẩm…. Người ta tụ tập trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe ...với điểm nhấn là “cây bẹo” treo mặt hàng kinh doanh. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tham quan.

Vườn cò Bằng Lăng: cách trung tâm khoảng 50 km theo QL91 về Thốt Nốt. Được hình thành năm 1983, vườn cò là nơi tập trung của hàng ngàn con cò các loại trong khu vườn rộng khoảng 1,5 ha. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi ngắm nhìn những cánh cò bay lượn và cảm thấy vô cùng thư thái giữa không gian thiên nhiên.

Vuon-Co-Bang-Lang-9192-1416025021.jpg

Những cánh cò trắng tung bay trong vườn cò Bằng Lăng. Ảnh: Thịnh Duy Quách.

Vườn trái cây: Cần Thơ có đất đai màu mỡ kết hợp với khí hậu ấm áp quanh năm nên trồng được nhiều loại cây ăn trái như: vú sữa, mận, nhãn, dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, táo, quýt….tập trung nhiều tại huyện Phong Điền và cù lao Tân Lộc. Đến Cần Thơ vào bất cứ dịp nào, bạn cũng đều được thưởng thức được những hương vị tươi ngon của trái cây tại nhà vườn bởi sự đa dạng về mùa vụ của các loại cây ăn quả. Một số nhà vườn không để bỏ qua khi đến với Cần Thơ như Vàm Xáng, cồn Ấu, Giáo Dương, Mỹ Thơm, Mỹ Khánh, Vũ Bình, vườn nhãn Mỹ Thuận….

Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh: thuộc huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10 km, là một trong những điểm đến tiêu biểu của Cần Thơ. Mỹ Khánh là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa sông nước miệt vườn với nhiều chủng loại trái cây đặc sản, bốn mùa trĩu quả kết hợp cùng ẩm thực phong phú, đậm chất Nam bộ. Du khách sẽ rất thích thú với các hoạt động như đua chó, đua heo, một ngày làm điền chủ, tát mương bắt cá, bơi thuyền, câu cá, tham quan làng nghề truyền thống, nghe đàn ca tài tử, xiếc khỉ...

Chùa Ông: tọa lạc tại Bến Ninh Kiều thơ mộng, ngôi chùa là điểm đến của nhiều du khách khi đến với Cần Thơ. Có kiến trúc theo hình chữ Quốc (Trung Hoa) với màu sắc sặc sỡ, vui tươi, nhưng chùa Ông vẫn đảm bảo nét cổ kính với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau. Trong chùa treo nhiều hương vòng lớn được người dân đến thành kính và hương khói quanh năm. Chùa Ông được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993.

Nhà cổ Bình Thủy: Ngôi nhà cổ được gia đình họ Dương xây vào năm 1870 với kiến trúc Á – Âu kết hợp, gồm 5 gian với toàn bộ vật liệu được đặt từ Pháp sang. Nơi đây từng là bối cảnh cho hàng chục bộ phim nổi tiếng như Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Đô và Ban mai, Xương rồng Cần Thơ, Người tình…

Nha-Co-8-JPG_1415958853.jpg

Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc trên con đường Bùi Hữu Nghĩa, Cần Thơ. Ảnh: Hương Chi.

Cầu Cần Thơ: chiếc cầu bắt qua sông Hậu nối liền giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ, cây cầu dây văng có nhịp chính 550 m dài nhất khu vực Đông Nam Á.

Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam: với diện tích gần 4 ha và được xem là thiền viện lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tọa lại tại xã Mỹ Khánh (gần khu du lịch Mỹ Khánh) thiền viện được xây dựng với kiến trúc Phật giáo thời Lý- Trần. Toàn bộ công trình kết cấu mái lợp ngói, khung cột bằng gỗ lim, vách tường gạch, nền và lối đi đều lát gạch tàu với tổng giá trị xây dựng 145 tỉ đồng.

Lễ hội truyền thống

Lễ hội chùa Ông: diễn ra vào ngày rằm hàng tháng để cúng thánh thần. Tuy nhiên lễ hội tiêu biểu nhất ở chùa Ông là lễ đấu đèn diễn ra 10 năm 1 lần nhằm tạo một văn hóa sinh hoạt địa phương, góp tiền xây nhà tình thương, trường học, nghĩa trang... Lễ đấu đèn diễn ra ngay trong chánh điện của chùa Ông, mọi người đều có thể tham gia để được sở hữu chiếc đèn mình yêu thích. Theo quan niệm của người Hoa, được sở hữu chiếc đèn lồng từ lễ hội 10 năm mới có một lần này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, vinh hoa.

Lễ hội đình Bình Thủy: ngoài việc cúng tế vào ngày rằm mỗi tháng và tết Nguyên Đán. Một năm đình còn có 2 kỳ lễ hội lớn gắn liền dấu ấn sản xuất nông nhiệp. Lễ thượng điền để cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới vào ngày 14/4 và 15/4 âm lịch và lễ hạ điền để tạ ơn và cúng ruộng đồng nghỉ ngơi vào ngày 15/12 âm lịch. Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay thất mùa.

Quà mua về

Du khách có thể dễ dàng mua các món hàng sau để làm quà cho người thân, bạn bè:  trái cây các loại (cam, dâu, sầu riêng, mít, ....), rượu mận, bánh tét lá cẩm, khăn rằn Nam bộ, hủ tiếu khô và các loại cá khô.

Mến Nguyễn