Đến Tây Hồ tại Hàng Châu, Trung Quốc, du khách sẽ không thể bỏ qua 3 cây cầu gắn với các chuyện tình nổi tiếng. Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, cầu Tây Lãnh ẩn chứa nỗi lòng bi thương của kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cầu Trường tại Tây Hồ thuộc Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: itinerary. |
Chuyện kể rằng, vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ thứ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ mang tên Chúc Anh Đài thông minh, hiếu học. Vì muốn được học tập thơ văn, nàng cải trang thành nam nhi, đến xin học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu.
Trên quãng đường đến Nghi Sơn, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết thành huynh đệ, trở thành đồng môn thân thiết. Anh Đài dần thầm yêu Sơn Bá, nhưng nàng không thể nói ra vì vẫn đang mang phận gái giả trai. Còn Sơn Bá, dù học chung trường, ngủ chung phòng nhưng cũng không hề phát hiện tình cảm cũng như phận nữ nhi của Anh Đài.
Ba năm nhanh chóng qua đi, cha Chúc Anh Đài đổ bệnh nên nàng phải quay về nhà. Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài nói với Sơn Bá rằng sẽ thu xếp cho chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Sau đấy không lâu, Lương Sơn Bá tìm đến Chúc gia. Tại đây, chàng mới nhận ra thân phận nữ nhi của người bạn đồng môn, và rằng người em gái 16 tuổi không có thật. Từ đấy, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm say đắm.
Bức tranh minh họa câu chuyện tình ngang trái của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ảnh: globallovemuseum. |
Bi kịch đến với đôi uyên ương trẻ khi Chúc gia hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài – cũng là bạn đồng môn của nàng và là một thiếu gia giàu có. Sớm nhận ra Chúc Anh Đài là phận nữ, Văn Tài đem lòng yêu thương và muốn lấy nàng làm vợ. Tuy biết Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi tốt bụng, Chúc gia vẫn khước từ lời cầu hôn của chàng và định ngày thành thân giữa Anh Đài và Văn Tài.
Quá sầu muộn vì không thể ở bên Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện, Ninh Ba. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày kiệu hoa của Anh Đài đi về Mã gia, khi ngang qua mộ Sơn Bá, trời bỗng nổi trận cuồng phong lớn, khiến đoàn phải dừng lại.
Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đến bên than khóc và làm lễ cúng tế. Bỗng nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài gieo mình vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, người ta còn kịp nhìn thấy một đôi bướm quấn quýt vụt bay lên mặt đất.
Người xưa vẫn thường nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường”, tức cầu không dài nhưng tình nghĩa dài. Tương truyền, cây cầu Trường - có nghĩa "cây cầu dài" là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km.
Xem thêm: Chuyện tình Hứa Tiên - Bạch Xà nổi tiếng Hàng Châu