Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Chuyến xuất ngoại đầu tiên


Ngôi trường đại học tôi đang theo học hàng năm đều có những chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học cùng ngành ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2013, khi đang là sinh viên năm thứ hai, tôi tình cờ đọc được thông báo về việc tuyển chọn sinh viên cho chương trình trao đổi với trường Đại học Sư phạm Gwangju, thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Tôi khi ấy là sinh viên của ngành ngôn ngữ Anh, ôm trong lòng ước mơ cháy bỏng được một lần xuất ngoại để mở mang tầm mắt. Nhưng túi tiền tôi thì hơi bé để tự xách balô lên và đi. Thế nên, tôi hạ quyết tâm sẽ “nương tựa” vào một trong những chương trình trao đổi sinh viên như thế này của trường.

Tôi nộp hồ sơ cho chương trình tuyển chọn năm đó. Tiếc thay, những đối thủ năm ấy của tôi quá nặng ký và tôi đành ngậm ngùi nhìn năm suất học bổng trao đổi sinh viên ấy tan theo mây khói. Lòng tôi tự nhủ, chắc là không có duyên với Hàn Quốc rồi.

Đến hẹn lại lên, năm sau, trường tôi lại tiếp tục có chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Lần này là giữa trường tôi và trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc. Tôi vốn dĩ yêu thích văn hóa cả hai đất nước này, thậm chí là yêu Hàn Quốc nhiều hơn, nhưng vì đã bị “quê độ” năm ngoái nên đến năm nay tôi quyết định nộp hồ sơ cho chương trình này để “đổi gió”, hy vọng sẽ được thần may mắn mỉm cười. Vốn tiếng Trung ba năm của tôi nay đã có đất dụng võ, giúp tôi đậu được chương trình trao đổi sinh viên lần này. Niềm vui tôi vỡ òa khi giấc mơ xuất ngoại đã gần như nằm trong tầm tay.

Nhưng rồi vì một số lý do, chương trình giao lưu văn hóa này của chúng tôi đã bị hủy, đúng một tháng trước ngày dự kiến khởi hành.

Lúc này, Trường Đại học Sư phạm Gwangju đang có chương trình trao đổi sinh viên với trường tôi. Tôi nghĩ bụng, “Tôi và Hàn Quốc vẫn còn duyên chăng?”. Không chần chừ, tôi nộp ngay hồ sơ cho chương trình này. Và lần này tôi đã được chọn mà không cần phỏng vấn, có lẽ sự không bỏ cuộc của tôi đã thuyết phục được các thầy cô. À không, có lẽ là vì chữ duyên với Hàn Quốc đang vẫy gọi tôi nữa chứ và con tim đã vui trở lại!

Tôi cùng năm sinh viên khác của trường bay chuyến bay đêm dài sáu tiếng đến với đất nước mà tôi đã tò mò từ rất lâu. Đón chúng tôi ở sân bay là thầy giáo phụ trách chương trình trao đổi sinh viên của trường bạn. Thầy bảo chúng tôi gọi thầy là thầy Joon, mặc dù đó là chữ lót trong tên Thầy. Tôi biết thêm một điều mới, người Hàn Quốc có thể chọn một chữ bất kỳ trong tên mình để xưng hô, có thể là họ, là tên hoặc chữ lót, điều này thường ít gặp trong cách xưng hô người Việt Nam. Cách phát âm tên thầy khá giống với từ June - tháng 6 trong tiếng Anh và đây cũng là tháng mà chúng tôi có được chuyến đi trong mơ này. Một sự trùng hợp dễ thương!

Định hướng chương trình trao đổi sinh viên của chúng tôi là “man to man buddy program”, nghĩa là mỗi sinh viên Việt Nam sẽ được một sinh viên Hàn Quốc trực tiếp “chăm sóc” và chúng tôi gọi người chăm sóc của mình bằng một danh từ rất dễ thương - buddy. Ngoài thầy Joon, chúng tôi còn được thêm hai buddy đón ở ngay sân bay. Đây là sự nhiệt tình rất lớn của hai bạn, vì di chuyển từ Gwangju đến Incheon để đón chúng tôi mất tận năm tiếng đồng hồ, các bạn ấy phải đi từ lúc hai giờ sáng để kịp đón chúng tôi đáp xuống sân bay lúc bảy giờ, trong khi đây không phải là nhiệm vụ bắt buộc của các bạn.

Hàn Quốc chào đón chúng tôi bằng một trận mưa khá lớn vào buổi sáng với nhiệt độ 18 độ C.  Mùa hè ở Hàn dù có nắng khá to nhưng lẫn trong gió vẫn có chút se lạnh, cộng thêm một cơn mưa sáng, sáu người Việt Nam chúng tôi đều co quắp cúm rúm. Chúng tôi di chuyển bằng xe buýt của sân bay về đến nhà khách ở thủ đô Seoul. Trên đường đi, dù khá buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố gắng quan sát để thu trọn những khoảnh khắc đầu tiên về đất nước kim chi này vào trí nhớ. Phong cảnh hai bên đường khá giống đường về quê tôi, cây cối xanh bạt ngàn và nhiều đồi nhiều núi. Điểm khác là trang thiết bị và nhà máy đều to tướng và hiện đại hơn ở quê tôi rất nhiều. Những tòa nhà to đồ sộ ốp gạch xám và tường bằng kính bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, báo hiệu cho chúng tôi biết trung tâm Seoul đang cách chúng tôi không xa.

Nhà khách chúng tôi lưu trú có tên là Gaon, được thiết kế theo đúng kiểu nhà truyền thống mà tôi từng thấy trong những bộ phim gia đình Hàn Quốc nhưng diện tích nhỏ hơn, gốm một gian phòng chung nằm đối diện cổng vào, các phòng ngủ và nhà vệ sinh nằm hai bên tạo thành hình chữ U. Trên sân thượng còn có một chiếc đi văng lớn mà tôi thấy các nhân vật trong phim thường hay ngồi đây uống Soju, ngắm sao và tâm sự. Lối đi từ cổng vào phủ đầy sỏi to và mịn, sau một ngày đi bộ về, buổi tối ngồi ở cửa áp chân trần vào sỏi, cảm giác các cơ đang căng cứng đều được thả lỏng, thật sự rất sảng khoái. Ngoài việc cản bớt bụi bẩn do giày dép mang vào thì công dụng massage thư giãn của sỏi có lẽ là nguyên nhân để người Hàn chọn đặt chúng ở sân nhà, bởi trong một ngày người Hàn thường đi bộ rất nhiều và rất nhanh. 

An vat tren pho Seoul.JPG

Ăn vặt trên phố Seoul.

Ngay tại gian phòng chung, chúng tôi đã buổi gặp mặt và ghép cặp các sinh viên Việt - Hàn rất vui vẻ và ấm cúng. Sau đó, chúng tôi đi tham quan cung điện Gyeongbokgong dưới hình thức của show truyền hình ăn khách số 1 Hàn Quốc - Running Man. Người Hàn có những niềm tự hào riêng và luôn biết cách quảng bá cho văn hóa của họ. Chúng tôi di chuyển đến Gyeongbokgong, chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ từ nhà khách. Thủ đô Seoul hiện đại giữ trong lòng cố cung Gyeongbokgong cổ kính giống như một dấu lặng yên bình cho nhịp sống nổi tiếng bận rộn và nhiều áp lực của người dân nơi đây. Chung quanh khu vực cố cung cũng thanh bình và yên ả hơn hẳn những khu vực khác của Seoul. Khách nước ngoài đến đây đông mà khách nội địa đến tham quan cũng nhiều không kém.

Rời Seoul sau một ngày rưỡi tham quan, chúng tôi di chuyển về thành phố Gwangju. Thành phố này nằm ở phía Tây Nam Hàn Quốc, nổi tiếng với xưởng đóng ôtô KIA. Gwangju theo Hán tự có nghĩa là “Thành phố của ánh sáng”, vì theo điều kiện địa lý đây là khu vực nhận nhiều ánh sáng và năng lượng mặt trời trong quãng thời gian khá dài trong một năm. Thế nên mùa hè ở Gwangju nóng ngang ngửa Sài Gòn, chỉ khác là dân số ở đây chỉ bằng khoảng một phần năm Sài Gòn, nên cảm giác rất thoáng đãng và dễ chịu. Trường Đại học Sư phạm Gwangju chào đón chúng tôi bằng cổng trường với hình dáng cách điệu của hai chú chim, một lớn và một nhỏ. Đây là ngôi trường chuyên về giáo dục tiểu học nên hình dáng cổng trường mang thông điệp về sứ mệnh của nhà trường - đào tạo ra những giáo viên tiểu học chuyên nghiệp và tận tụy để dìu dắt và nâng đỡ cho thế hệ trẻ của đất nước.

Cong truong DHSP Gwangju mang thong diep ve su menh cua truong.JPG

Cổng trường Đại học Sư phạm Gwangju.

Chúng tôi khá choáng ngợp khi di chuyển vào khuôn viên trường. Trường là khu phức hợp với đầy đủ các phòng chức năng chuyên biệt hiện đại - phòng nghiên cứu khoa học, thư viện, nhà triển lãm, phòng âm nhạc, sân bóng đá, khu tự học… Chúng tôi được lưu trú ngay trong khu nhà khách ở cạnh bên ký túc xá nữ của trường. Một năm học ở Hàn Quốc bắt đầu vào tháng ba và kết thúc vào tháng hai, sinh viên có hai kỳ nghỉ giữa các học kỳ. Sinh viên trường Gwangju bắt đầu kỳ nghỉ hè của họ vào cuối tháng 6, thế nên khuôn viên trường khá vắng vẻ, thi thoảng chỉ thấy một vài nam sinh viên đeo cặp chéo đạp xe quanh quẩn trong sân và vài nữ sinh viên tay ôm sách vừa đi vừa nói cười vui vẻ, nhưng nhẹ nhàng, đúng như tính cách của người Hàn Quốc, sôi nổi nhưng không ồn ào.

Chúng tôi có cơ hội được tham quan và thực tập giảng dạy ở trường tiểu học Mokpo, nằm dưới sự quản lý và đào tạo của trường Đại học Sư phạm Gwangju. Hệ thống tiểu học của Hàn Quốc gồm sáu cấp lớp, khác với Việt Nam chỉ có năm cấp. Ngày chúng tôi đến tham quan các em nhỏ đang ráo riết chuẩn bị cho một hội diễn văn nghệ lớn hai ngày sau đó. Thế nên đi đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy các em đang luyện thanh, ráp nhạc, dợt đội hình, rất dễ thương nhưng vô cùng chuyên nghiệp. Trong trường còn có hẳn một phòng phát thanh dành riêng cho chương trình phát thanh do chính các em nhỏ lớp năm, sáu điều khiển. Nội dung chương trình do các em biên soạn và được chỉnh sửa bởi thầy cô giáo nhưng khi lên sóng, trình bày như thế nào cho hay và thu hút đều là do các em tự xử lý. Một hệ thống giáo dục luôn cho phép các em nhỏ phát huy hết mình khả năng độc lập và tự tin như thế. Đây là hành trang rất tốt để các em vào đời và rất đáng để chúng ta học hỏi.

Phong phat thanh truong Tieu hoc Mokpo.jpg

Phòng phát thanh trường Tiểu học Mokpo.

Sau khi tham quan, chúng tôi thực hiện một bài thuyết trình ngắn và đơn giản về đất nước Việt Nam bằng tiếng Anh cho các em lớp năm ở lớp nâng cao tiếng Anh. Có thể một vài chi tiết các em không hiểu rõ do vốn từ còn hạn chế nhưng thái độ các em vẫn rất nghiêm túc. Khi nghe cô giáo phiên dịch lại, các em đều tỏ ra ngạc nhiên và hứng thú với những thông tin mới về một đất nước mới mà mình đang được giới thiệu. Các em còn mạnh dạn đặt câu hỏi vào cuối bài thuyết trình của chúng tôi, vài câu liên quan đến bài thuyết trình nhưng cũng có vài câu các em dùng để ghẹo chúng tôi, tạo nên một bầu không khí rất vui vẻ và gần gũi, khác với sự gò bó cứng nhắc như những buổi dự giờ khác mà tôi từng chứng kiến.

Chia tay trường Tiểu học Mokpo với đầy những ấn tượng tốt đẹp, chúng tôi tiếp tục hành trình với một ngày được hướng dẫn nấu các món ăn Hàn. Trong những gợi ý của thầy, chúng tôi chọn ra bốn món dễ làm dễ ăn nhất để thầy và các buddy không phải quá vất vả tìm công thức. Cách trường khoảng 15 phút đi bộ là E-mart - một hệ thống bán lẻ lớn và lâu đời nhất Hàn Quốc. Dạo một vòng siêu thị đặc trưng của Hàn Quốc, tôi nhận ra một điều: giá rau củ quả ở Hàn thật đắt đỏ. Một gói hành lá bóc vỏ sẵn chừng 300 gram có giá khoảng 3.580 won, xấp xỉ 70.000 đồng, với giá này ở Việt Nam có lẽ đã mua được cả chục ký. Giá trị của vật chất thật vô chừng. Ở siêu thị này người ta không sử dụng bọc nylon. Sau khi thanh toán, chúng tôi sẽ mang hàng hóa cho vào những thùng carton được xếp gọn ở một quầy đối diện. Đây cũng là những thùng đựng hàng lúc trước khi nhập kho. Điều này minh chứng cho ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường của người Hàn Quốc.

Bua com chia tay.JPG

Bữa cơm với những món do chúng tôi và các bạn Hàn Quốc cùng thực hiện.

Có một ngày chúng tôi được đưa đến trung tâm văn hóa truyền thống ở Gwangju để tham gia một số trò chơi truyền thống Hàn Quốc. Trước khi được giới thiệu về các trò chơi, chúng tôi có cơ hội được mặc thử Hanbok. Hơn thế nữa, những bộ Hanbok chúng tôi được thử không phải là loại Hanbok bình thường, qua lời của các buddy thì đây là những bộ Hanbok mô phỏng theo trang phục của Hoàng gia Hàn Quốc. Bộ Hanbok của tôi gây ấn tượng bằng những chi tiết hoa văn được thêu tay bằng chỉ vàng  tỉ mỉ và công phu với phần vạt áo khoác dài phủ bụng, người mặc thông thường sẽ đặt tay mình bên dưới vạt áo này để thể hiện sự trang trọng. Tôi đã từng nhìn thấy vài bộ Hanbok ở Việt Nam, nhưng chưa từng thấy bộ Hanbok nào đẹp và sang trọng như thế này. Cảm giác mặc Hanbok khá thoải mái vì nó không quá ôm sát, nhưng vì là trang phục của xứ lạnh, nên chỉ cần mặc một lúc giữa trời mùa hè thôi là đã có mồ hôi xuất hiện.

Tac gia trong trang phuc Hanbok.jpg

Tác giả trong trang phục Hanbok.

Trước khi hành trình của chúng tôi kết thúc, tôi và một chị sinh viên được sắp xếp cho homestay ở ngay gia đình thầy Joon với mẹ và em gái của thầy. Đây mới thực sự là cơ hội để chúng tôi được quan sát và hiểu rõ nhất về cách thức sinh hoạt của một gia đình Hàn Quốc bình thường. Mẹ và em gái thầy không thể dùng tiếng Anh để giao tiếp với chúng tôi, nhưng sự nhiệt tình và tận tâm của họ với chúng tôi đã phá vỡ hết mọi rào cản ngôn ngữ.

Bua sang truyen thong cua mot gia dinh Han Quoc.jpg

Bữa sáng truyền thống của người Hàn Quốc.

Chúng tôi được thầy đãi món ăn nổi tiếng hấp dẫn và cũng nổi tiếng đắt của Hàn - thịt nướng samyeopsang, cùng một ít rượu Soju nồng ấm. Món thịt nướng ngon do có sự kết hợp hài hòa giữa thịt, mỡ, gia vị, rau xanh và chút nồng nàn ngọt ngào của ly rượu trứ danh. Thật là không bỏ công kỳ vọng. Buổi sáng, mẹ thầy trở dậy từ sớm để chuẩn bị cho chúng tôi bữa sáng truyền thống của Hàn Quốc. Bàn cơm gồm có cơm nấu chung với ít đậu xanh, trứng rán, miến trộn thịt bò, thịt bò xào, một ít snack rong biển và dĩ nhiên không thể thiếu một chén kim chi. Mỗi một ngày của người Hàn đều cần rất nhiều năng lượng cho các hoạt động từ trí não đến thể chất, thảo nào họ có một bữa ăn sáng có thể gọi là thịnh soạn đến thế, vừa chắc bụng vừa đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng từ đây tôi cũng thấy thán phục các bà mẹ Hàn Quốc. Ở nhà tôi thấy mẹ mình mỗi ngày chỉ chuẩn bị hai bữa cơm trưa và tối thôi cũng đã vất vả lắm rồi, trong khi các bà mẹ Hàn Quốc còn phải chuẩn bị thêm cả bữa sáng, mà bữa sáng này tính ra công phu hơn bữa sáng của người Việt Nam rất nhiều. Các bà mẹ lúc nào cũng thật vĩ đại!

Doan-sinh-vien-chung-toi-trong-khuon-vien-truong-DHSP-Gwangju.JPG

Đoàn sinh viên chúng tôi trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Gwangju ngày về.

Chúng tôi bay về Việt Nam trên một chuyến bay trưa đầu tháng 7. Xem như cũng hay, tôi được có cơ hội chiêm ngưỡng bầu trời Seoul cả lúc đêm khuya lẫn ngày nắng, được thấy sân bay Incheon lung linh ánh đèn trong đêm lẫn chiêm ngưỡng vẻ bề thế của nó lúc ban ngày. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi kết thúc mỹ mãn vượt ngoài mong đợi. Dù tôi vẫn còn một số tiếc nuối vì thiếu kinh nghiệm đi chu du, chưa mua được những món đồ lưu niệm đặc trưng nhất, chưa chụp được những bức ảnh ưng ý nhất, chưa đến thăm những nơi nhất định phải đến ở Seoul và Gwangju. Tuy nhiên, tám ngày được các thầy cô và bạn bè Hàn Quốc chăm sóc, “nuôi nấng” kỹ lưỡng, những trải nghiệm và bài học quý giá dưới tư cách sứ giả của trường, những tình bạn dễ thương vượt qua rào cản ngôn ngữ... sẽ mãi nằm trong tim tôi như những ký ức vô giá một thời tuổi trẻ tươi đẹp.

Từ sâu thẳm trong tim, tôi dành lời cảm ơn chân thành nhất đến ngôi trường tôi đang theo học và trường bạn ở Gwangju, vì đã tạo ra những chương trình trao đổi sinh viên thú vị như thế này và dành cơ hội đó cho tôi. Cảm ơn con người Hàn Quốc đã gìn giữ và phát triển đất nước độc đáo như thế để chúng tôi được tìm hiểu và học hỏi. Hẹn gặp lại các bạn một ngày không xa!

Cuộc thi 'Hàn Quốc hành trình kỷ niệm' do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Tổng cục Dua lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 31/8. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.

Nguyễn Lê Song Hảo