Những ngày còn là sinh viên học tại Sài Gòn, tôi và hai người bạn luôn ao ước được một lần đặt chân đến những địa danh nổi tiếng ở Tây Bắc như Sa Pa, Y Tý ở Lào Cai hoặc Hà Giang,…Chỉ đến năm thứ ba đại học, chúng tôi mới gom góp đủ tiền học bổng để thực hiện một chuyến đi xa đầu đời.
Thời gian cho chuyến đi lên Tây Bắc là 3 ngày 2 đêm. Nhóm dự kiến ngày đầu tiên sẽ xuất phát từ ga Lào Cai, thuê xe máy tại đây sau đó di chuyển về xã Y Tý, ở lại đây một đêm, ngày thứ 2 di chuyển tiếp về Sa Pa và trở về vào trưa ngày thứ 3, tổng hành trình dài khoảng 170 km.
Những cung đường Tây Bắc với cảnh đẹp hùng vĩ và con người dễ mến luôn tạo nhiều cảm hứng cho những ai yêu thích du lịch bụi. Ảnh: Đức Thành |
Chúng tôi hỏi đường những người bản địa, hầu hết ai cũng biết lối tắt để đi từ Y Tý sang Sa Pa. Tuy nhiên họ cũng khuyên nhóm nên di chuyển ngược lại, có nghĩa là từ Y Tý quay lại đường cũ để về thành phố Lào Cai, sau đó tiếp tục đi lên Sa Pa. Tất cả chắc chắn rằng, đoạn đường đó đang được thi công rất lầy lội, hơn nữa thời điểm tháng 9, vùng Tây Bắc trời mưa lớn, thường xảy ra sạt lở núi rất nguy hiểm, chúng tôi không thể chủ quan. Tuy nhiên, khi đó tuổi trẻ dồi dào năng lượng, suy nghĩ thiếu chín chắn, chúng tôi bỏ qua mọi lời khuyên, hăm hở quyết định sẽ đi đường tắt, vừa tiết kiệm thời gian, vừa ngắm được cảnh đẹp trên cung đường mới.
Ngoại trừ hai chiếc xe máy vừa thuê và bình xăng mua thêm dự trữ, chúng tôi hồn nhiên không trang bị thêm bất cứ vật dụng bảo hộ nào cho chuyến đi, không một chút kiến thức để ứng phó khi xảy ra trường hợp bất trắc, trong khi hành trình phía trước ẩn chứa nhiều rủi ro với đồi núi phức tạp.
Ngày đầu tiên, sau khoảng chục cây số suôn sẻ với vô vàn cảnh đẹp vẫy chào, chúng tôi bắt đầu đi đến đoạn đèo thuộc xã Trịnh Tường với những con dốc dồn dập. Càng lên cao, chiếc xe càng chạy ì, đến giữa đèo, đầu xe giật liên tục, tiếng kêu phát ra như máy xay xát gạo. Lúc đấy, tôi chỉ còn biết vào số, trả số xoành xoạch, trong miệng cứ lẩm bẩm cầu mong cho nó không bị chết máy giữa một nơi toàn núi đồi hoang vu.
Thế mà cũng qua được. Kỳ diệu là chiếc xe máy mà chúng tôi thuê dường như được sinh ra để leo đèo. Qua được ngọn núi, chúng tôi thẳng đường chạy về Y Tý, trong lòng chẳng còn sợ hãi. Dọc đường đi, thỉnh thoảng gặp một vài bạn đi du lịch bụi, giữa núi đồi vắng vẻ, tự nhiên thấy vui trong lòng rồi đưa tay chào nhau dù chẳng quen biết. Đêm hôm đấy, ba người chúng tôi nghỉ lại Y Tý, một giấc ngủ ngon lành trong cái gió lạnh đang luồn qua những tấm liếp của nhà nghỉ.
Sáng hôm sau, theo lộ trình đã quyết từ hôm trước, nhóm đi về hướng đường tắt để đến Sa Pa. Vừa rời khỏi Y Tý vài cây số, xe bắt đầu đổ dốc trên con đường xuyên qua một đoạn rừng rậm nhiệt đới, dưới cơn mưa xối xả. Cơn mưa rừng khiến chúng tôi lạnh cóng chân tay, chốc chốc lại rùng mình bởi lớp áo mưa mỏng chẳng đủ cản những hạt mưa táp vào liên tục. Và rồi phía cuối con đường, bầu trời quang quẻ, một màu vàng đậm của lúa chín uốn lượn mềm mại trên những thửa ruộng bậc thang hiện lên, đám mây mỏng nhè nhẹ trôi trên đỉnh núi. Ba con người lần đầu tiên chứng kiến cảnh đẹp Tây Bắc, chỉ đứng ngây người, chẳng biết nói thêm câu cảm thán gì.
Khung cảnh ruộng lúa chín vàng trên những bậc thang vào mùa thu và đám mây lảng bảng trên ngọn núi phía xa. Ảnh: Đức Thành |
Nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, nhóm bắt đầu đi đến đoạn đường đáng nhớ nhất trong cả hành trình. Một đoạn đường với khúc cua tay áo khuất tầm nhìn nhão nhoẹt sình lầy và lởm chởm đất đá. Trận sạt lở từ vách núi sau trận mưa lớn là nguyên nhân của hiện trạng, nó đúng như lời những người dân ở Lào Cai đã nói với chúng tôi.
Dù có hơi đứng hình, nhưng nhóm không thể quay xe trở lại, vì đoạn đường đi được đã khá xa. Tôi nhìn thấy một gia đình người bản địa, sau một lúc chần chừ họ bắt đầu đi qua bằng cách tắt xe máy và đẩy bộ. Họ cũng chọn đi vào những chỗ có không có đá để tránh bị trượt và luôn đề phòng vực sâu bên cạnh. Chúng tôi bắt đầu đi theo.
Cả ba người cẩn thận đẩy từng chiếc xe ra khỏi đoạn đường. Dốc cao, đất nhão bết cả vào bánh khiến cho việc đẩy xe rất khó khăn. Thi thoảng tôi lại ngước lên nhìn vách núi vì sợ đất đá sạt lở thêm, tay cầm lái cứng đờ. Dù rất mệt, nhưng chúng tôi không thể vào số để vặn ga vượt qua. Con đường đất sình trơn tuột có thể đẩy chiếc xe lao xuống vực cận kề nếu chúng tôi bị trượt tay lái, nhất là ở khúc cua qua vách núi.
Cả nhóm hì hục đẩy từng chiếc xe qua đoạn đường quánh đặc đất nhão, ngay sát bên là vực núi sâu. Ảnh: Vy Thảo |
Cứ như thế, người đẩy, người cầm lái, chúng tôi lần lượt đưa hai chiếc xe đi qua đoạn đường lầy lội khoảng một cây số. Đường nhựa đã ở trước mặt, một khe nước nhỏ mát trong ven đường là món quà vô giá với những đôi chân nặng trịch đất sình của chúng tôi lúc đấy. Ba người ngồi xuống ăn vài chiếc bánh gạo, lắc đầu ngao ngán về đoạn đường vừa đi qua. Chưa bao giờ chúng tôi nói nhiều về một con đường như thế.
Kết thúc chuyến đi, may mắn là cả nhóm đã không gặp phải một sự cố đáng tiếc nào. Nhiều trải nghiệm nhớ đời, nhiều cảm xúc trào dâng với lần đầu mạo hiểm, nhưng nghĩ lại, đánh đổi sự an toàn của bản thân với kiến thức ít ỏi để lấy những trải nghiệm mới mẻ, đôi lúc không hẳn là lựa chọn thông minh. Ai biết may mắn còn đến lần sau.
Xem thêm: Đà Lạt thu nhỏ ở vùng Tây Bắc
Đức Thành