Hàng nghìn người dân cùng du khách dâng hoa, lễ vật tưởng niệm vị hoàng đế Quang Trung và Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt chiều nay. Ảnh: Minh Thùy. |
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa diễn ra hàng năm vào hai ngày mùng 4, mùng 5 tháng giêng. Đến hẹn lại lên, từ sáng mùng 4 người dân khắp nơi về Bảo tàng Quang Trung tham dự lễ hội, dâng hương, dâng hoa và ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc, nhằm làm sống lại hùng khí Tây Sơn một thuở.
226 năm trước (mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789), dưới tài thao lược của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, chỉ trong 5 ngày (từ 30 tháng chạp đến 5 Tết), hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào hành binh thần tốc tiến ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ca khúc khải hoàn dân tộc.
Kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bình Định) đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt gắn với tên tuổi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - những vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào Tây Sơn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái (phải) trao bằng xếp hạng khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt thành di tích quốc gia đặc biệt cho ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chiều nay. Ảnh: Minh Thùy. |
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự bách chiến, bách thắng và vị minh quân khuyến trọng hiền tài, mở mang nông thương, chấn hưng giáo dục, cải cách văn hóa vượt khuôn thước sáo mòn đương thời và mang tầm thời đại…
Thời gian tới, Bình Định tiếp tục tôn tạo, mở rộng khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bảo tàng Quang Trung xứng đáng là bảo tàng lịch sử duy nhất của quốc gia về phong trào nông dân Tây Sơn.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, trung bình mỗi năm khu di tích Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và Bảo tàng Quang Trung có khoảng 80.000-90.000 lượt khách đến tham quan.
Minh Thùy