Ở Trung Quốc, người ta gọi con dốc này là dốc ma và chúng có ở nhiều nơi khác nhau như tỉnh Quảng Đông, Thiểm Tây, Sơn Đông, Chiết Giang hay Tân Cương, Phúc Kiến. Trong đó, dốc ma ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh là nổi tiếng nhất.
Con dốc nằm ở ngoại ô, bên sườn núi Mạo Sơn, cách trung tâm thành phố Thẩm Dương khoảng 30 km về phía nam, được bao quanh bởi núi non và rừng cây rậm rạp. Phía tây dốc chỉ cách quốc lộ 102 hơn một km và có đường cao tốc Jingha chạy qua, vì thế giao thông ở đây rất thuận tiện.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở chỗ, khi đi qua con dốc này, xe lên dốc không cần phải đạp ga hay tăng số mà vẫn di chuyển dễ dàng. Thậm chí xe tắt máy rồi vẫn có thể tự động trượt từ chân dốc lên đến đỉnh, nhưng khi đi xuống lại rất khó khăn mới có thể đến chân dốc.
Con dốc ma nổi tiếng của tỉnh Thiểm Tây. |
Dốc ma này có chiều dài 80 m, rộng 20 m, nằm theo hướng tây cao, đông thấp. Nó được phát hiện từ tháng 4/1990. Khi đó, có một người cảnh sát giao thông trẻ tuổi lái chiếc xe Zip xuôi theo đường vào núi xuống dốc. Nhưng sau khi dừng tắt máy, anh đột nhiên có cảm giác xe tự động trượt từ từ lên trên đỉnh dốc. Người cảnh sát này vô cùng kinh ngạc nên cho xe chạy thử vài lần, nhưng lần nào kết quả đều là xe tự động di chuyển. Kể từ đó, con dốc được nhiều người biết đến.
Sau khi được phát hiện, dốc ma thu hút sự chú ý của cả giới chuyên gia. Có rất nhiều nhà khoa học và học giả đến đây nghiên cứu, nhưng đến nay, vẫn có rất nhiều lời đồn đại cũng như cách giải thích khác nhau về hiện tượng bí ẩn này.
Trong đó phổ biến nhất là 3 cách giải thích. Một là, do tác dụng của từ trường. Có người cho rằng từ trường của phạm vi dốc rất mạnh nên có thể hút xe cộ lên một cách dễ dàng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện ra loại vật chất dạng sắt nào có tác dụng từ trường rõ rệt ở đây. Vì vậy, cách giải thích này vẫn chưa được thuyết phục.
Dốc ma nhìn từ trên cao |
Hai là, do xê dịch trọng lực. Theo nguyên lý của động lực học thông thường là “nước chảy từ trên cao xuống thấp”. Sở dĩ sự dịch chuyển ở dốc ma đi ngược lại nguyên lý này có thể là do một hoặc nhiều điểm trọng lực phân bố khác thường gây nên. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh rằng mối quan hệ giữa sự biến đổi trọng lực và vỏ địa chất ở đây gây ra hiện tượng kỳ lạ này.
Ba là, do sai lệch thị giác của con người. Sườn phía tây núi Mạo Sơn có địa hình đông cao tây thấp, nhưng địa hình của dốc ma lại ngược lại, đông thấp tây cao. Do vật tham chiếu của thị giác khác nhau nên gây ra cảm giác chênh lệch, vì vậy mới có hiện tượng xe trượt từ chân dốc lên đỉnh dốc. Mọi người có cảm giác là đang lên dốc nhưng thực chất lại là đang xuống dốc. Cách lý giải này có vẻ hợp lý nhưng cũng vẫn chưa có căn cứ khoa học cụ thể chính xác.
Qua 20 năm kể từ khi được phát hiện, dốc ma vẫn tồn tại như một sự bí ẩn thú vị và sức hút của nó đối với người dân và cả giới chuyên môn không hề giảm. Hàng năm, có hàng nghìn du khách và nhà khoa học đến đây tham quan và nghiên cứu, biến dốc ma trở thành một điểm đến lý tưởng khi du lịch.
Xem thêm: Những điều khác thường trong đời sống ở Trung Quốc
Ngọc Mai