Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours, ông Nguyễn Công Hoan cho biết hiện giá tour đi Trung Quốc vẫn ổn định nhưng về lâu dài công ty buộc phải tăng giá để phù hợp với sự biến đổi của tỷ giá. Lý do là hơn 60% giá tour phụ thuộc vào phí visa, vé máy bay và các chi phí này đều phải thanh toán bằng USD.
Ông Hoan cũng bày tỏ lo ngại giá tour bán cho khách Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vì giá phòng khách sạn 3-5 sao có thể điều chỉnh tăng trong thời gian tới. "Giá phòng khách sạn trong nước niêm yết bằng tiền đồng nhưng lại được tính toán bằng USD. Hiện một số khách sạn lớn đã bắt đầu điều chỉnh giá", ông Hoan nói.
Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch lớn của Việt Nam. Ảnh: thegiodulich |
Còn theo ông Đào Trọng Tùng, Trưởng phòng thị trường Công ty Du lịch Việt Nam - Hà Nội, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ cũng gây thiệt hại về lãi của công ty trong tháng 7 bởi các hợp đồng đón khách nước này đều đã ký dựa trên tiền nhân dân tệ, trong khi hiện nay giá của đồng này xuống thấp. Để tránh bù lỗ trong thời gian tới, công ty cũng sẽ phải lên phương án điều chỉnh, tuy nhiên mức tăng không quá cao.
Ngược lại, việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ khiến du khách Việt Nam đi Trung Quốc được lợi khi chi tiêu mua sắm. "Tệ giảm sẽ có lợi cho các du khách Việt sang du lịch Trung Quốc, đặc biệt là khi mang theo đồng USD", ông Hoan nói thêm.
Từ ngày 11/8, Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh tý giá tham chiếu giữa nhân dân tệ và USD, kiến tệ giảm giá mạnh. Để chống các tác động tiêu cực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng biên độ tỷ giá thêm 1%, khiến giá đôla Mỹ ở Việt Nam tăng lên đến trên 22.000 đồng ăn một USD.
Vy An