Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Giấc mơ dang dở mang tên Babylon của người Iraq


Theo miêu tả trong các văn tự cổ và Kinh Cựu Ước, Babylon thời quá khứ là thành phố với những đền đài, cung điện tráng lệ ở Iraq. Giai đoạn huy hoàng, dân số Babylon lên đến 200.000 người và là một trong những đô thị lớn, giàu có nhất thế giới.

Nằm giữa sông Tigris và Euphrates, Babylon được xây dựng lại phần lớn nhờ công của vua Nebuchadnezzaar II vào thế kỷ thứ 6 TCN. Ông đã sử dụng những viên gạch tráng men nhiều màu để dựng lên các công trình tuyệt đẹp. 

1-4835-1431415997.jpg

Cổng Ishtar được phục dựng một phần và trưng bày ở bảo tàng Pergamon tại thủ đô nước Đức. Ảnh: Alamy.

Thế kỷ thứ 2 TCN, khi nhà thơ Hy Lạp Antipater của xứ Sidon liệt kê 7 kỳ quan trong thế giới cổ đại, Babylon là địa điểm thứ hai được nhắc đến. Tuy vậy, theo nhiều người dân Iraq, không chỉ có Vườn treo, nơi đây còn các công trình khác xứng đáng với danh hiệu "kỳ quan" nhân loại. Một trong số đó là cổng Ishtar - nơi bất kỳ ai tới thành phố cũng phải đi qua.

Theo BBC, cổng được xây dựng vào năm 575 TCN bằng chất liệu gạch tráng men màu xanh cô ban và nước biển. Trên đó gắn phù điêu của 575 con rồng và bò đực. Đây cũng là nơi khắc lời nhắn của vua Nebuchadnezzar trên đá vôi: "Ta đặt lên đây những con bò hoang dã, con rồng hung tợn và trang hoàng cho chúng bằng sự lộng lẫy, sang trọng, để mọi người phải kinh ngạc khi ngước nhìn".

2-1261-1431415997.jpg

Một phần của tường thành Babylon được phục dựng tại bảo tàng Pergamon, Đức. Ảnh: Alamy.

Vào năm 1902, nhóm của nhà khảo cổ người Đức Robert Koldewey đã phát hiện ra cổng Ishtar - biểu tượng thể hiện uy quyền, sự kỳ vĩ của Babylon cổ đại. Cũng chính nhờ công sức của nhóm khảo cổ, người dân thế giới hiện đại mới có thể chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ của một tuyệt tác nhân loại.

Công việc khảo cổ từng buộc phải tạm ngừng sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Nhưng ngay khi cuộc chiến kết thúc, hành trình khai quật thành phố với quy mô lớn do các nhà khảo cổ người Italy dẫn đầu tiếp tục được tiến hành.

Tuy nhiên, chỉ đến khi tổng thống Saddam Hussein lên nắm quyền ở Iraq vào năm 1979, công cuộc phục chế, xây lại cổng thành và những cung điện tráng lệ xưa kia mới thực sự đẩy mạnh.

Vị cố tổng thống này luôn có ý niệm mình không chỉ là người Hồi giáo thuộc dòng Sunni mà còn có dòng dõi của những vị anh hùng Babylon cổ đại. Do đó, ông bắt đầu cho xây dựng nhằm tái hiện thành phố đã mất này vào những năm 1980. 

Dù vậy, giống Vương quốc Babylon khi xưa cuối cùng cũng sụp đổ, đế chế  Hussein tại Iraq cũng chung số phận. Cái chết của ông kéo theo những giấc mơ dang dở về việc phục hồi lại thành phố Babylon khiến nhiều người dân Iraq và khách du lịch trên thế giới luyến tiếc.

Ngày nay, một phần của cổng thành Ishtar được phục chế tại bảo tàng Pergamon ở thủ đô nước Đức. Du khách muốn ghé thăm Iraq cần cân nhắc một số điểm du lịch có tình hình chính trị nhạy cảm như Anbar, Ninewah, Salah-ah-Din, Tam'min (Kirkuk) và vùng Kurdistan.

"Baghdad ngày nay không còn đẹp và lãng mạn như trong những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm trước kia. Bạn hãy thật cân nhắc khi đến Iraq", một du khách người Anh  bình luận.

Anh Minh (theo BBC)