Tại thủ đô Sarajevo có một tòa nhà sơn màu hồng nổi tiếng nằm ở góc phố, gần ngay cầu Latin bắc qua sông Miljacka. Đây là nơi bất kỳ du khách nào đến Bosnia - Herzegovina cũng muốn ghé thăm. Trên bức tường của tòa nhà có một dòng chữ rõ nét, in đậm với nội dung: "The street corner that started the 20th century" (Tạm dịch: Góc phố mở màn thế kỷ 20).
Tại góc phố này, thái tử Áo - Hung đã bị sát hại vào năm 1914. Ảnh: Amusing. |
Tòa nhà này trở thành một điểm nhấn lịch sử quan trọng đối với thế giới, bởi tại đây đã diễn ra vụ ám sát thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand cùng phu nhân Sofia. Biến cố này dẫn đến một loạt các sự kiện căng thẳng sau đó và trở thành nguyên nhân chính châm ngòi của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ngược dòng lịch sử trước đó vài năm, sau khi đế quốc Áo - Hung thôn tính Bosnia - Herzegovina vào tháng 10/1908, quan hệ giữa Áo - Hung và Serbia trở nên vô cùng căng thẳng. Bàn tay đen - một tổ chức thành lập năm 1911 ở Belgrade, do cựu sĩ quan Dragutin Dimitrijevic đứng đầu, đã cố gắng giải phóng Bosnia - Herzegovina khỏi ách cai trị. Trong khi đó, thái tử Franz Ferdinand lại muốn theo con đường của hoàng đế Franz Joseph I, bành trướng khu vực ảnh hưởng ở Balkan đồng thời tăng sự kiểm soát đối với các dân tộc đang sống dưới quyền thống trị của đế quốc.
Tòa nhà và góc phố nhìn từ phía cầu. Ảnh: Amusing. |
Chính điều đó khiến người thừa kế ngai vàng Áo - Hung trở thành mục tiêu của Bàn tay đen. Ngày 28/6/1914, khi Franz đến Bosnia thị sát cuộc tập trận của quân đội, tổ chức này quyết định ra tay. Người trực tiếp bắn chết thái tử khi đang ngồi xe tuần hành trên phố là một sinh viên 19 tuổi người Serbia tên là Gavrilo Princip. Giới quân phiệt Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho Vương quốc Serbia đứng sau vụ ám sát. Vào ngày 28/7/1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ bằng sự tuyên chiến của đế quốc Áo - Hung.
Sau khi ám sát thái tử, Gavrilo Princip định kết liễu đời mình nhưng đã bị người dân quanh đó khống chế. Trước đó hắn cũng uống thuốc độc nhưng chỉ nôn mửa chứ không chết. Khi bị cảnh sát bắt, hắn định nhảy xuống sông tự vẫn nhưng nước sông quá cạn, nên hắn không thể thoát thân. Gavrilo nhận án 20 năm tù do lúc gây án chưa đủ tuổi lãnh án tử hình. Sau này tên sát nhân bị chết trong tù do mắc bệnh phổi và điều hắn cảm thấy day dứt nhất là đã sát hại phu nhân Sofia.
Vẻ đẹp của Sarajevo. Ảnh: Amusing. |
Một năm sau chiến tranh, đế quốc Áo - Hung sụp đổ và Gavrilo Princip được coi như người anh hùng dân tộc. Người ta còn lập cả một tấm bia ngay tại chỗ Gavrilo Princip đứng bắn thái tử như một lời ca ngợi tự do. Tuy nhiên, khi quân đội Đức tiến quân vào Sarajevo trong mùa xuân năm 1941, mọi thứ đã bị phá hủy gần hết.
Ngày nay, tòa nhà nằm ở góc phố diễn ra vụ ám sát đó trở thành bảo tàng Sarajevo (Muzej Sarajevo), tọa lạc tại trung tâm thủ đô của Bosnia và Herzegovina.
Thông tin thêm: Lý do thái tử Áo - Hung nhất định dẫn vợ đến Bosnia và vô tình khiến người vợ thân yêu của mình bị chết oan uổng: Các dòng dõi hoàng tộc ở châu Âu thời đó thường coi trọng việc kết hôn cùng huyết thống hoặc hôn nhân giữa hoàng thất các nước. Do đó việc Franz Ferdinand yêu và kết hôn với Sofia Chotek - tiểu thư của một gia đình quý tộc sa sút - đã khiến giới quý tộc tức giận. Để có thể kết hôn với người con gái trong mộng của mình, thái tử đã phải chấp nhận nhiều điều khoản, trong đó có việc con cái của ông và Sofia không được thừa kế ngai vàng, cũng như phu nhân sẽ không được đón tiếp trọng vọng trong giới thượng lưu. Chỉ khi cùng nhau đi ra ngoài, đến các vùng thuộc địa của đế quốc này, họ mới trút bỏ được mọi "xiềng xích" và mới là một đôi vợ chồng thực sự. Cho nên Franz Ferdinand cảm thấy chỉ đến nơi này mới có thể đem đến cho người vợ của mình cảm giác được tôn trọng.Vậy là, ngày 28/6/1914, Thái tử Franz Ferdinand hạnh phúc cùng vợ thực hiện cuộc diễu hành đến Sarajevo và thảm kịch đã xảy ra. Đường đến Bosnia và Herzegovina: Sân bay Sarajevo nằm ở ngoại Butmir và khá gần trung tâm thành phố. Không có phương tiện công cộng đi thẳng đến đó. Giá taxi ở đây đắt một cách đáng kinh ngạc, do đó bạn tốt nhất nên bắt xe đến bến cuối của ga điện ngầm ở Ilidža và lên xe điện để hoàn thành nốt hành trình. Một số hãng hàng không bay tới Sarajevo hàng ngày là Turkish Airlines, Adria Airways, Lufthansa... |
Anh Minh (theo Amusing)