Chùa Đất Sét
Chùa có tên Bửu Sơn Tự, nằm giữa khu nhà dân bình thường với diện tích không lớn nên nếu bạn tìm sẽ mất công lòng vòng vài lần. Tốt nhất nên hỏi người dân xung quanh sẽ được chỉ đến tận nơi. Chùa Đất Sét được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia nên chùa không có sư mà do người trong gia đình quản lý. Sở dĩ ngôi chùa nổi tiếng khắp xa gần bởi hiện vật trong chùa tất cả thay vì bằng gỗ, vàng, bạc, đồng thì được làm bằng đất sét, một nguyên liệu không dễ làm. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất trong cả nước làm bằng nguyên liệu này.
Thớt voi trong chùa Đất Sét trông giống như được làm bằng gỗ. |
Khi mới xây dựng, ngôi chùa được cất bằng các loại gỗ bình thường ở địa phương. Đến năm 1928, ông Ngô Kim Tòng thuộc đời trụ trì thứ tư đã tu bổ, tôn tạo chùa bằng cách nặn tượng thờ, linh vật bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng hay tạc bằng gỗ. Trong 42 năm, 1.991 pho tượng lớn nhỏ được hoàn thành. Đến nay, các tượng lớn, nhỏ này vẫn nguyên vẹn ở chùa Đất Sét. Tuy được tạc bằng đất sét, nhưng các bức tượng đều có màu sắc và thần thái đẹp như làm bằng gỗ. Trong khuôn viên chùa với gian chính điện và vườn, tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế được sắp xếp theo tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật - Nho - Lão).
Mọi thứ trong chùa được làm bằng đất sét. |
Chùa Đất Sét còn nổi tiếng bởi sáu cây nến lớn, mỗi cây nặng 200kg và hai cây nến nhỏ, mỗi cây nặng 100kg. Hai cây nến nhỏ đã cháy 43 năm chưa một lần bị tắt. Sau khi hai cây nến nhỏ tắt, cặp nến lớn tiếp theo sẽ lần lượt được thắp. Dự kiến mỗi cây cháy khoảng 70 năm. Như vậy, nếu đốt từng cây phải mất khoảng 400 năm nữa mới hết nến trong chùa.
Chùa Dơi
Chùa Dơi nổi bật với kiến trúc Khmer và màu vàng rực rỡ. |
Cách chùa Đất Sét không xa là chùa Dơi. Nhưng không giống với chùa Đất Sét tọa lạc trong khu dân cư, chùa Dơi nằm gần trọn một con phố, bề thế và rực rỡ khiến người đi tìm dễ dàng trông thấy. Chùa có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của tỉnh Sóc Trăng.
Ngay từ cổng vào, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi màu vàng rực rỡ. Cổng chùa và tường bao quanh được trang trí cầu kỳ với các họa tiết hoa văn tuyệt đẹp. Trong khuôn viên chùa là hàng trăm tán cây cổ thụ, tỏa bóng mát khắp các khuôn viên và sân vườn. Chùa Dơi được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer. Chùa gồm ba khu chính là chính điện, khu sala và nhà thờ cổ lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Quần thể được sắp xếp hài hòa với các khu chính rộng rãi, thoáng mát, luôn mở rộng cửa đón nắng và gió mát.
Tòa chính điện được xây từ năm 1569 với tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m cùng nhiều bức tượng phật nhỏ. Các bức tường xung quanh là các bức vẽ đời sống nhà Phật sắc nét.
Sau khi đã tham quan hết các khu chính, du khách có thể dành thời gian đi dạo trong vườn chùa, dưới những tán cây cổ thụ xanh và rợp bóng mát. Những tán cây rộng lớn này chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loài dơi to lớn, lên đến hàng triệu con. Đây cũng chính là lý do vì sao ngôi chùa này nổi tiếng với cái tên chùa Dơi. Kỳ lạ là dơi ở đây không ăn hay phá hoại cây trong chùa mà chúng coi đây như ngôi nhà của mình, là địa điểm để trú ngụ và nghỉ ngơi. Hàng đêm, sau khi đã đi kiếm ăn ở khắp mọi nơi, chúng lại tụ tập về đây, treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa như những chùm quả nặng trĩu lúc lỉu và ngủ một giấc dài. Dưới bóng mát của tán cây cùng không gian tĩnh lặng của chùa, lũ dơi chẳng ngại ngần người đám du khách đang tò mò nhìn chúng, cứ nhắm mắt lim dim.
Là nơi trú ngụ của loài dơi, ngôi chùa này còn nhuốm màu sắc bí ẩn với những ngôi mook của loài lợn 5 móng.Theo người Khmer, lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người và gia đình nào nuôi phải loài lợn này sẽ gặp bất hạnh, lục đục, vì bị con heo "thành tinh" quấy phá. Vì vậy, trong 20 năm qua, nhà nào có lợn 5 móng đều gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc. Khu nuôi loài lợn này nằm cách chùa khoảng 50m, đi từ phía cổng sau của chùa Dơi.
Chùa Đất Sét, Chùa Dơi là 2 trong rất nhiều điểm đến của hành trình Tây Nam Bộ, hành trình mở đầu của Bluecore Touring do Yamaha Việt Nam tổ chức. Đây là một sân chơi "phượt" bằng xe máy quy mô và hoàn toàn miễn phí cho người yêu xe và đam mê phượt. Lộ trình chặng đầu tiên dài 1.052 km, từ TP HCM - Cao Lãnh - Hà Tiên - Cà Mau - Sóc Trăng - Cần Thơ - TP HCM.
(Nguồn: Yamaha Việt Nam)