Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

Hành trình đi bụi ở Hàn Quốc


Tôi bắt đầu quan tâm đến đất nước Hàn Quốc năm 1996. Khi ấy trên truyền hình phát sóng bộ phim Hoa Cúc Vàng. Tôi vẫn nhớ mạch phim khá chậm, các diễn viên cũng không quá nổi bật hay “đẹp lung linh” như diễn viên bây giờ và nội dung phim đương nhiên không phù hợp với một đứa nhóc 9 tuổi như tôi. Nhưng tôi vẫn bị bộ phim cuốn hút bởi những khung hình thật đẹp và mọi thứ đều thật khác so với phim Đài Loan hay Trung Quốc thời đó. Trong mắt đứa trẻ tỉnh lẻ như tôi, cuộc sống Hàn trên phim còn sung túc và hiện đại hơn Sài Gòn, nơi tôi từng cho là tuyệt nhất.

Từ chỗ thích phim Hàn, diễn viên Hàn, tôi dần thích luôn những nét văn hóa được thể hiện qua cốt truyện và tính cách nhân vật. Tôi cũng yêu cách phát âm trong ngôn ngữ của họ. Tôi học tiếng Hàn với suy nghĩ ngôn ngữ là phương tiện hữu ích để tìm hiểu và tiếp cận văn hóa Hàn. Và dĩ nhiên, tôi luôn ấp ủ trong lòng mong muốn được đặt chân đến xứ kim chi. 

Xin visa

Tôi vốn rất nhát gan. Cho tới lúc đó, chưa bao giờ tôi nghĩ mình dám đi du lịch bên ngoài biên giới nước nhà. Nhưng rồi, mong ước được một lần ngắm nhìn tận mắt đất nước mà mình ngưỡng mộ, cùng sự yên tâm khi có bạn đồng hành đã đưa tôi đến quyết định: du lịch bụi ở Hàn Quốc. Cô bạn của tôi chọn Hàn Quốc làm điểm đến tiếp theo của mình sau những chuyến đi đến Trung Quốc, Ai Cập, Jordan và một số nước Đông Nam Á vì triển lãm quốc tế EXPO 2012 được tổ chức tại đây. Đúng với tinh thần dân du lịch bụi nhiều kinh nghiệm, gần như bạn tôi đã tìm hiểu trước mọi thứ về chuyến đi và nói lại cho tôi.

Ngày nộp hồ sơ xin visa, trong lúc xếp hàng chờ đến lượt, anh đứng trước tôi quay lại hỏi thăm. Khi nghe đến mục đích đi du lịch của tôi, anh này cảnh báo rằng nếu cá nhân, đặc biệt là nữ, xin visa du lịch Hàn rất khó và khả năng bị từ chối rất cao. Anh bảo đây không phải lần đầu anh xin visa đi Hàn Quốc và những lần trước đều phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ mới được. Nghe vậy tôi cũng đâm lo và tôi càng lo lắng hơn trong ngày đi nhận thông báo của lãnh sự quán. Nói thật là tôi muốn nhảy lên khi biết mình được cấp visa. Đúng như cô bạn tôi đã nói, chỉ cần chuẩn bị đủ các giấy tờ theo yêu cầu và thể hiện rõ mục đích đi du lịch của mình thì không có gì là khó khăn khi muốn có được visa Hàn trong hộ chiếu cả.

Ấn tượng đầu tiên

Theo tiêu chí tiết kiệm của du lịch bụi, chúng tôi chọn hàng không giá rẻ. Bạn tôi đã tranh thủ mua trước vé hơn cả năm trời trong đợt khuyến mãi của hãng X, nên giá vé giảm đến 70%. Khác với chuyến bay đến Malaysia trước đó, trong suốt 6 tiếng đồng hồ từ Kuala Lumpur đến Incheon, tôi không tài nào chợp mắt được. Cảm giác nôn nao và háo hức khiến đầu óc tôi cứ tỉnh táo như không. Máy bay hạ cánh ở Incheon, tôi như được mở rộng tầm mắt khi trông thấy sân bay quốc tế của người Hàn. Tôi đã không tưởng tượng được rằng nơi đó lại quá rộng, quá sạch và quá hiện đại như thế.

Theo kế hoạch, chúng tôi đi tàu KTX từ ga Seoul đến thành phố Yeosu, nơi diễn ra triển lãm. Chuyến tàu khởi hành lúc 5 giờ sáng nhưng chúng tôi đến ga Seoul lúc mới 0h30phút. Tôi và bạn quyết định ngồi bên ngoài ga đợi đến giờ tàu chạy. Vậy là đêm đầu tiên ở Hàn Quốc, chúng tôi gần như ngủ bờ ngủ bụi bên ngoài ga Seoul, cùng với vài người dân cũng đến đợi tàu sớm như thế. Màn hình trên tòa nhà đối diện hiển thị con số 19 độ C. Giữa đêm mùa hè, tôi lại cóng người trong cái lạnh và màn sương bao phủ. Một bác ngồi uống bia ở bồn cây trước ga đã cho chúng tôi mấy tấm bìa carton để ngồi đỡ lạnh và cũng để có chỗ ngã lưng. Dù chẳng quen biết gì, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng hành động của bác ấy chợt làm tôi thấy ấm lòng và yên tâm hơn.

4.jpg

Bên trong tàu KTX.

Phương tiện giao thông công cộng

Tôi vốn rất thích đi phương tiện giao thông công cộng. Tôi dùng xe buýt gần như mỗi ngày từ những năm đại học đến lúc ra trường đi làm. Và đương nhiên hệ thống xe điện của Hàn Quốc làm tôi mê tít. Ngay đêm đầu tiên, chúng tôi đã được trải nghiệm chuyến đi xe điện ngầm từ sân bay về ga Seoul. Dọc hai bên thành xe là ghế ngồi bọc vải nhung xanh đậm. Các toa mở đèn sáng trưng và bật điều hòa. Sơ đồ tuyến xe được trang bị với đèn led cho biết những trạm dừng kế tiếp. Xe chạy nhanh và chúng tôi thấy hoàn toàn thoải mái.

Chuyến tàu KTX khởi hành rất đúng giờ. Tôi rất ngạc nhiên khi không bị soát vé dù vẫn có nhân viên của ga kiểm tra suốt các toa tàu. Vậy mới thấy, người Hàn rất tự trọng và đề cao tinh thần tự giác. Mới đến Hàn Quốc chừng 6 tiếng thôi mà tôi đã phải lòng đất nước này mất rồi.

Đi xe buýt ở Hàn Quốc cũng thật thích. Xe buýt có hẳn làn đường riêng nên rất tiết kiệm thời gian. Tôi thấy đa phần người đi xe buýt ở Hàn dùng thẻ từ. Khi lên xe chỉ cần quẹt thẻ thì số tiền trong thẻ tự động được trừ đi theo cước phí của tuyến đường, nên mọi thứ cũng rất nhanh chóng và tiện lợi. Đặc biệt trong đợt triển lãm EXPO, những tuyến buýt ở thành phố Yeosu với điểm đến là khu triển lãm đều miễn phí. Với những người du lịch bụi như chúng tôi thì một việc nhỏ như vậy thôi cũng là một tin vui.

Khó và dễ

Bạn đồng hành của tôi nói tiếng Anh cực siêu nhưng ở Hàn Quốc, người dân bình thường ít dùng ngoại ngữ này. Vì thế, với vốn tiếng Hàn ít ỏi, tôi đảm nhận trọng trách giao tiếp với người bản xứ trong những lúc hỏi đường, mua vé. Điều khó nhất khi ở Hàn với tôi là việc tìm ra nhà của người cho chúng tôi ở nhờ. Cả ở Yeosu và Seoul, gần như những ngôi nhà đều không để số, những cửa tiệm không ghi địa chỉ rõ ràng trên biển hiệu. Nếu muốn biết tên một con đường mà không gặp người dân địa phương để hỏi thì chúng tôi phải đi đến những ngã ba, ngã tư mới thấy được bảng tên đường. Những khu phố hao hao nhau cộng với khả năng tiếng Hàn bập bõm của mình, khiến tôi không thể chọn trạm dừng xe buýt chính xác được. Không ít lần chúng tôi phải đi bộ rất xa vì xuống nhầm trạm và lại cất công hỏi đường. Đáng nhớ nhất là lần đi lòng vòng gần ba tiếng đồng hồ để tìm nhà người bạn cho ở nhờ tại Seoul, chỉ vì chúng tôi không nghe theo chỉ dẫn của bạn mà  “tài lanh” đi tuyến xe buýt khác được cho là nhanh hơn.

1.jpg

Hỏi đường ở Seoul.

Thức ăn ở Hàn Quốc thường có vị cay. Với những người không quen ăn cay như bạn đồng hành của tôi thì điều này có hơi trở ngại một chút. Thêm nữa, có những món ăn khi xem trên phim ảnh thấy có vẻ rất ngon, nhưng thực tế lại không phù hợp với khẩu vị người Việt. Nhưng với dân đi bụi như chúng tôi thì việc trải nghiệm những món ăn mới luôn thú vị và bữa ăn luôn tuyệt vời sau những giờ di chuyển mệt lả.

Chỗ ở là vấn đề mà người du lịch nào cũng nghĩ đến. Nhờ cô bạn của tôi (lại là nhờ cô ấy), chúng tôi được những người bạn Hàn cho ở nhờ miễn phí suốt 7 ngày 6 đêm ở đây. Tại Yeosu, chúng tôi ở nhờ nhà một bác sĩ. Người mẹ của bác sĩ còn chuẩn bị cơm sáng cho chúng tôi. Một cô giáo trẻ ở Anyang còn lái xe đưa chúng tôi đến Suwon để tham quan thành cổ ở đây, còn người bạn thuê chung nhà với cô ấy thì đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi đến DMZ, vùng biên giới với Triều Tiên. Hai ngày cuối cùng, chúng tôi ở Seoul trong nhà của hai cô bạn cùng tuổi. Không chỉ có vậy, trên những chặng đường rong ruổi khám phá Hàn Quốc, chúng tôi còn nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân nơi này. Đó là một bác viên chức nói tiếng Anh rất tốt trước tòa thị chính Seoul, đó là cô tình nguyện viên giúp chúng tôi tìm đường về nhà ở Yeosu, đó là anh bạn sinh viên ngành tiếng Anh tình cờ gặp trên xe điện, đó là những người không ngại mở điện thoại dò tìm địa chỉ chúng tôi muốn đến để chỉ đường. Họ đã làm cho chuyến du lịch của chúng tôi thuận tiện và ý nghĩa hơn rất nhiều.  

5.jpg

Với gia đình bác sĩ ở Yeosu.

Rất hiện đại và truyền thống

Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu về sử dụng Internet. Cuộc sống hiện đại và phát triển của họ gắn chặt với phương tiện này. Người Hàn rất ham học hỏi và luôn muốn phát triển bản thân. Trong khi ba mẹ tôi ở độ tuổi năm mươi không biết cách mở máy vi tính như thế nào, không biết dùng Internet và đương nhiên cũng không biết thế nào là email, thế nào là mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm thì cụ bà hơn bảy mươi tuổi, người mẹ của bác sĩ ở Yeosu lại cập nhật tin tức mỗi ngày qua điện thoại, máy vi tính và internet. Bác sĩ cũng thế. Dù xấp xỉ tuổi ba mẹ tôi và rất bận rộn với công việc ở bệnh viện, nhưng ông vẫn dành thời gian để học thêm tiếng ngoại ngữ thứ ba.

Hệ thống cầu đường và mạng lưới giao thông công cộng của Hàn Quốc rất phát triển. Trải qua những năm tháng bị đô hộ và chiến tranh, một Hàn Quốc đói nghèo lạc hậu đã vươn ra thế giới với kỳ tích sông Hàn được quốc tế đề cao. Khi xem lại những bức hình tư liệu cũ với hình ảnh hiện nay, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay bên bờ sông Hàn. Một điều thú vị nữa là ở Seoul, ngay giữa những khối nhà cao tầng, giữa những con đường bê tông lại có con suối Cheong-gye róc rách tuôn chảy như một nét duyên xanh trong lòng thành phố. Ở thủ đô còn có cả một khu mua sắm trong lòng đất với đủ loại mặt hàng không thua kém bất cứ trung tâm thương mại nào.

Ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới, dù phát triển hiện đại đến mấy cũng có thể cảm nhận được bản sắc văn hóa len lỏi vào từng hơi thở cuộc sống. Những cung điện, tường thành vẫn trường tồn qua bao thời gian và được người dân rất tự hào và trân trọng. Ở những nơi ấy không chỉ có bước chân của khách du lịch, mà còn có rất nhiều học sinh ở mọi độ tuổi đến tìm hiểu, ghi chép về lịch sử. Nghi thức cung đình được tái hiện qua phần biểu diễn ở cung Kyeong-bok, những bức tượng thể hiện các sinh hoạt xưa, những đồ vật cũ được trưng bày là cách mà người Hàn lưu truyền văn hóa đến thế hệ sau cũng như giới thiệu với thế giới.

3.jpg

Với các diễn viên đóng vai nhân vật lịch sử ở cung Kyeong-bok.

Ý thức cộng đồng

Những nơi tôi đến ở Hàn Quốc đều rất sạch sẽ. Dù là nhà vệ sinh công cộng cũng rất sạch và không có mùi khó chịu. Chỗ rửa tay có cả xà phòng và không thấy giấy vệ sinh vương vãi ở đó. Thùng rác công cộng thường được thiết kế theo bộ ba cho rác tái chế, rác hữu cơ, rác không tái chế. Người mẹ của bác sĩ cho chúng tôi ở nhờ tại Yeosu đã phân loại từng thứ một khi bỏ rác ở thùng rác chung cư. Vậy mới thấy ý thức vệ sinh chung và bảo vệ môi trường của người Hàn rất cao.

Triển lãm World EXPO 2012 kéo dài suốt ba tháng, trên tổng diện tích 1,7 triệu mét vuông, nên cần số lượng nhân viên rất lớn. Có rất nhiều người dân đã tham gia làm tình nguyện viên hướng dẫn cũng như phục vụ tại triển lãm. Những tình nguyện viên tôi gặp đều có thái độ niềm nở và sẵn lòng giúp đỡ du khách nếu họ có yêu cầu. Tôi nghĩ họ thực sự đã đóng góp quan trọng vào thành công của triển lãm cũng như vào hình ảnh đẹp của người Hàn trong mắt bạn bè quốc tế. 

2.jpg

Nhà triển lãm của Việt Nam ở World EXPO Yeosu 2012.

Tôi rất thích văn hóa xếp hàng của người dân xứ kim chi. Có thể thấy họ xếp hàng ở rất nhiều nơi: trạm xe buýt, quầy vé, quán ăn, lối ra vào ở các khu du lịch… Chính ý thức giữ trật tự và tôn trọng thứ tự trước sau ấy nên không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng hơn.

Hơn hai năm kể từ ngày tôi lần đầu đặt chân đến Hàn Quốc. Chuyến đi như một giấc mơ và thỉnh thoảng tôi lại nghĩ  “ồ, con bé nhát gan như mình mà dám xuất ngoại đi bụi nữa đấy”. Những giờ đi bộ dưới cái nắng hè trong vắt ở đấy để lại “dấu ấn” trên làn da vốn đã không trắng trẻo gì của tôi, đến tận mấy tháng sau. Nhưng dấu ấn về một đất nước xinh đẹp, về những người dân luôn nỗ lực hết mình, về những nét văn hóa độc đáo vẫn còn hiển hiện trong tâm trí tôi. Một ngày nào đó, tôi sẽ quay trở lại.

Chào tạm biệt, Hàn Quốc!

Huỳnh Thị Tố Uyên