Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Mingi - lễ trừ tà tàn bạo ở Ethiopia


Mingi là một truyền thống lâu đời thuộc các bộ tộc Kara, Hamar và Banna trú ngụ trong thung lũng Omo của Ethiopia. Ngày nay các tộc người này có khoảng 225.000 thành viên, sống cuộc sống như thời nguyên thủy tại các ngôi làng bị cô lập, thường xuyên thực hành nghi lễ cổ xưa được đánh giá là "tàn bạo nhất thế giới" này trong bí mật.

Untitled-5.jpg

Những đứa trẻ sẽ bị nguyền rủa và bị coi là mang linh hồn quỷ dữ nếu chúng có hàm trên mọc trước hàm dưới. Ảnh: CNN.

Tên của nghi lễ mang ý nghĩa miêu tả về một đứa trẻ bị nguyền rủa và phải bị giết chết ngay lập tức nhằm bảo vệ sự an toàn cho toàn bộ lạc. Một đứa trẻ bị gọi là Mingi nếu răng cửa của chúng mọc ở hàm trên trước hàm dưới, hoặc bị gãy răng, bộ phận sinh dục bị tổn thương, hoặc là con của người mẹ đơn thân, hoặc cha mẹ chúng không được ban phước lành từ những người già trong làng để sinh ra đứa trẻ này. Những người trưởng thành không tán thành nghi lễ "trừ khử" các Mingi này cũng bị coi là một kẻ bị nguyền rủa và bị đuổi khỏi bộ lạc.

Untitled-7.jpg

Nghi lễ Mingi diễn ra một cách bí mật tại thung lũng Omo. Ảnh: CNN.

Khi phát hiện ra một đứa trẻ là Mingi, các trưởng lão trong bộ tộc sẽ tiến hành bắt con từ tay cha mẹ chúng, sau đó dìm cho chúng bị đuối nước, hoặc để chết đói trong rừng, để thú vật ăn thịt, ném từ trên vách đá xuống... Cha mẹ đứa trẻ có thể tự tay thực hiện nghi lễ trừ tà này bằng cách nhét đất vào miệng cho con nghẹt thở.

Với cách thức trừ tà trên, nghi lễ Mingi đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với cộng đồng thế giới khi họ phát hiện ra. Nhiều du khách đã gọi đây là lễ trừ tà tàn ác, vô nhân đạo nhất mà họ từng biết.

Những người trong thung lũng Omo này tin rằng Mingi là những đứa trẻ mang linh hồn ma quỷ đến ngôi làng của đó. Chúng sẽ là nguồn cơn của sự hạn hán, nạn đói, bệnh tật, chết chóc. Theo thống kê từ chính phủ, họ không thể thống kê được chính xác số lượng trẻ em bị chết do tập tục lạc hậu này, nhưng ước tính mỗi năm có khoảng 200-300 Mingi bị thiệt mạng.

Do tính chất của nghi lễ trừ tà, Mingi là một chủ đề cấm kỵ và không được nhắc đến công khai trong làng. Các trẻ em dưới 15 tuổi không bao giờ được biết về sự tồn tại của hủ tục này và tất nhiên, người ngoài càng không hề biết.

Cả thế giới biết đến Mingi là nhờ một người đàn ông trẻ tên là Labuko Lale, đến từ thung lũng Omo và đi học tại một trường nội trú cách đó 105 km. Anh đã can đảm tiết lộ chuyện này với những người lớn tuổi. Sau đó, chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc cứu sống các Mingi. Tuy nhiên vẫn có số trẻ nhỏ bị giết hại do người dân tiến hành chúng ngày một kín đáo và bí mật hơn.

2_1441616590.jpg

Lale dắt tay những đứa trẻ Mingi anh từng cứu được. Hiện nay, chúng được sống trong môi trường tốt, được các vú em chăm sóc tận tình. Ảnh: Natgeo.

Lần đầu tiên Lale biết đến nghi lễ này khi anh 15 tuổi. "Lúc đó tôi thấy những người lớn tuổi trong bộ lạc giằng một bé gái ra khỏi tay cha mẹ chúng rồi chạy đi. Từ đó, tôi không gặp lại cô bé đó một lần nào nữa. Tôi đã đã rất sốc và khóc. Tôi muốn cứu em bé ấy". Lale cũng có hai chị gái bị coi là Mingi và anh chưa từng biết tới họ trước đây.

Sau một thời gian kết nối với chính phủ Ethiopia và huy động được nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế để thành lập một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, đến nay Lale đã cứu được 37 trẻ sơ sinh bị coi là Mingi. "Họ đang được dạy dỗ, sống ở những nơi an toàn, sạch sẽ cùng các dịch vụ y tế đầy đủ", Lale cho biết.

Xem thêm Lễ trừ tà lớn nhất Tây Ban Nha

Ethiopia tên đầy đủ Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, nằm ở phía đông bắc Phi (hay còn gọi là Sừng châu Phi). Phía bắc giáp Eritrea, phía đông giáp Djibouti và Somalia, giáp Sudan và Nam Sudan ở phía tây, phía nam giáp Kenya.

Trong hầu hết chiều dài lịch sử, Ethiopia theo chế độ quân chủ lập hiến, và dấu vết về triều đại ở Ethiopia bắt đầu từ thế kỷ 2 TCN. Ethiopia cũng là một trong những địa điểm cổ nhất mà con người từng sinh sống.

Anh Minh (theo Natgeo)