Cây mọc nhiều ở vùng rừng núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, lá thường được dùng để tẩm ướp thịt rừng nhằm tạo vị thơm độc đáo khi đem nướng. Khi nhai lá hơi có vị hăng, hơi gắt như vỏ quýt nhưng dần sẽ tạo vị ngọt hậu, có mùi thơm bạc hà phảng phất vị cà ri. Người đã tìm ra loại lá đặc biệt này và đem về miền đất Sài Gòn là nghệ nhân ẩm thực Chiêm Thành Long - Tổng giám đốc Khu du lịch Bình Quới - Văn Thánh và Tân Cảng (TP HCM). |
Lập tức loại lá rừng này đã được đầu bếp Nguyễn Hoàng Trung của khu du lịch Văn Thánh (TP HCM) dùng làm món tôm hùm nướng lá sọ chó sốt me rừng. Lá sọ chó được xay nhuyễn sau đó phết lên tôm hùm đã ướp gia vị đầy đủ rồi mang đi áp chảo, cho vào một ít sốt me. Vị ngọt của thịt tôm quyện với hương nồng dịu của lá sọ chó mang lại cảm giác khác lạ. |
Cây nắp ấm (hay còn gọi là nắp bình) mọc tự nhiên ở vùng sông suối và gần đây được nhiều người trồng trong nhà để trang trí và bắt các loại côn trùng có hại. |
Các nghiên cứu cho thấy tác dụng của hoa nắp ấm có thể giúp chữa bệnh gan nhiễm mỡ, sỏi thận, đau loét bao tử..., đầu bếp Lê Văn Hanh của khu du lịch Văn Thánh đã quyết định dùng loại hoa này tạo món ngon tốt cho sức khỏe. Đó là món chả hoa nắp ấm, gồm có thịt xay, chả cá thác lác, quết chung với hoa nắp ấm xắt nhuyễn rồi nhồi tiếp vào hoa nắp ấm đem hấp. Khi chín hoa nắp ấm tạo vị ngọt nhẹ, bùi, hương thơm thoang thoảng. |
Đội thi khu du lịch Mỹ Lệ đến từ Bình Phước giới thiệu một đặc sản nơi đây là cây crặc làng mang mùi vị đặc trưng của cả 3 gia vị sả, gừng và riềng. Cây crặc làng được đập dập sau đó tách phần lõi riêng, phần vỏ ngoài đem xé thành những sợi nhỏ. |
Lõi cây crặc làng đập nhẹ, cắt từng khúc nhỏ sau đó dùng những miếng thịt gà H'Mông quấn xung quanh. Tiếp đến lấy các sợi vỏ cây crặc làng bọc thành lớp áo ngoài cùng, dùng chỉ buộc chặt. Đem bỏ tất cả vào nồi hấp chín. Lúc này vị đặc trưng của crặc làng sẽ thấm đều từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. |
Gà hấp ăn kèm với cơm lam và nước sốt cùng các loại rau rừng. |
Còn đội thi nhà hàng Ánh Dương đến từ Kontum dùng những nguyên liệu quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên tạo món ăn dự thi. Đó là rau dớn hay mọc ven khe suối, tính mát, ăn vào giòn. |
Mây đắng Gia Rai mọc trên vùng núi cao, có vị đắng tuy nhiên sau khi nuốt một thời gian sẽ có vị ngọt hậu. Loại mây này hỗ trợ chữa bệnh xương khớp rất tốt, trị chứng gai cột sống... |
Mây đắng lột vỏ đem luộc cho bớt vị đắng, rau dớn luộc, dùng ăn chung với tôm và tơ chuối rừng. Món này giúp làm mát cơ thể, tăng cường sức khỏe cho xương khớp. |
Đầu bếp nhà hàng Mùa Vàng (TP HCM) lại chọn lá vông vang để nấu món súp cá mú nghệ lá vông vang củ nén. Đây là lá của cây mọc ở vùng núi, lá có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Lá vông vang vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu độc. Món súp cá bổ sung thêm củ nén sẽ giải cảm. |
Ngoài ra các đội dự thi còn sưu tầm nhiều loại gia vị đồng quê khác đem đến sự độc đáo cho vòng bán kết như cà nút áo, rau dổi, củ ấu, trái giác, trái bần.... Đây đều là những gia vị ngon và cũng là những vị thuốc dân gian tốt cho sức khỏe nếu biết chế biến, phù hợp với tiêu chí "ngon mà lành" của Chiếc thìa vàng 2015. |
>> Đội vô địch vòng bán kết phía Nam Chiếc thìa vàng 2015
Minh Trí