Ở miền Trung, cháo vịt được bán quanh năm, nhiều nhất khi trời trở lạnh. Lúc này, những tiệm cháo vịt trở nên đông khách hơn. Hương thơm ngào ngạt cũng từ đây tỏa ra không khí, níu giữ bước chân người qua lại.
Dễ tìm thấy nhiều tiệm ăn chỉ bán duy nhất cháo vịt ở miền Trung. Ảnh: Diệu Huyền. |
Điều khiến cháo vịt miền Trung trở nên đặc biệt là phần nguyên liệu và công thức chế biến khác lạ. Nguyên liệu nấu cháo sử dụng cả gạo nếp, gạo tẻ và đậu xanh trộn đều. Sau khi rang sơ, số nguyên liệu này được ninh nhừ trong nước luộc vịt để hương vị đậm đà hơn. Đặc biệt, phần nước luộc vịt trước đó đã được bỏ thêm một củ hành nướng và một chút gừng đập nhỏ nên thơm và ngọt hơn hẳn.
Các bộ phận như gan, mề, tiết, lòng được thái nhỏ sau đó nêm nếm gia vị rồi xào lăn. Khi tới chín được bỏ vô nồi cháo đang sôi, bốc khói nghi ngút rồi quấy đều để các thành phần quyện lại với nhau.
Cách làm nghe chừng đơn giản nhưng để có được nồi cháo ngon lại chẳng phải chuyện dễ dàng. Người nấu phải thật sự khéo léo để trông chừng nồi cháo không bị khê mà vẫn chín nhừ. Vì nếu khê cháo sẽ bị ám mùi, còn chưa nhừ sẽ để lại cảm giác sống sượng, khó ăn. Riêng vịt phải chọn con không quá béo, không quá gầy và không quá nhỏ để thịt được chắc và mềm sau khi luộc.
Mỗi một bát cháo vịt đều được cho thêm hành và hạt tiêu dậy mùi thơm quyến rũ. Ảnh: Diệu Huyền. |
Cháo vịt được bán phổ biến nhưng không phải tiệm ăn nào cũng phục vụ giống nhau. Một số nơi sử dụng vịt chặt miếng xếp lên trên bát cháo. Đây là những miếng có độ dày vừa phải, mềm và không quá mỡ hay nạc. Đi kèm với đó là bát nước chấm pha từ mắm, gừng và ớt. Khi ăn, thực khách chỉ cần rưới nước chấm lên miếng thịt. Một số cửa hàng khác lại sử dụng thịt vịt xé nhỏ. Lúc này, bạn chỉ cần trộn đều phần thịt và cháo là có thể ăn ngon lành.
Vị mềm, dai của thịt vịt luộc chín tới cùng phần cháo ninh nhừ đậm đà khiến món món ăn này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, giá mỗi bát ở đây khá rẻ, dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng.
Diệu Huyền