Vào một ngày bình thường ở nhà ga trung tâm Tokyo, bạn sẽ thấy một đội ngũ nhân viên vệ sinh xếp thành hàng dài, đợi chuyến tàu cao tốc dừng tại bến. Chuông báo vang lên, lần lượt mỗi khoang có từ 2 đến 3 nhân viên tiến vào để dọn dẹp.
Nhiệm vụ của họ là đẩy 100 ghế ngồi trong toa trở về nguyên trạng ban đầu. Sau đó dọn rác trên lối đi, mặt sàn, kiểm tra khoang chứa đồ và thu chai lọ để quên trên mỗi chỗ ngồi. Trung bình mỗi phân đoạn diễn ra nghiêm ngặt trong 1 phút 30 giây. Các nhân viên tiếp tục lau chùi phần bàn đặt trước ghế của hành khách, chỉnh rèm cửa và thậm chí thay tấm trải lưng mới nếu phát hiện những vết ố bẩn.
Cứ hai phút một lần, chuông báo hiệu lại vang lên. Nhân viên chuyển sang dọn thùng rác đặt giữa các khoang. Họ phối hợp nhịp nhàng để làm sạch bồn rửa tay hay nhà vệ sinh. Và sau khi tất cả nhiệm vụ được hoàn thành, đội ngũ nhân viên rời khỏi toa tàu, xếp hàng cúi chào những hành khách đang đứng đợi bên ngoài.
Các nhân viên xếp hàng chờ đến giờ lên tàu dọn dẹp. Ảnh: rocketnews24 |
Akio Yabe, Phó chủ tịch công ty Dịch vụ Đường sắt Tessei - nơi đào tạo đội ngũ nhân viên vệ sinh này, chia sẻ: “Thông thường chúng tôi sẽ có 7 phút để đội vệ sinh làm việc. Song có những khi hành khách trên tàu khá đông đúc, thời gian di chuyển sẽ lấn vào thời gian nhân viên làm nhiệm vụ. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể”.
Công việc của những nhân viên này rất quan trọng, bởi họ cần đảm bảo giờ tàu đến và đi theo lịch trình. Mỗi ngày, nhà ga Tokyo đón 210 tàu cao tốc. Mỗi đội 22 nhân viên Tessei sẽ phải dọn dẹp trung bình 120 tàu hàng ngày. Vào lúc cao điểm, họ có thể phải làm việc với 168 tàu. Đội ngũ nhân viên vệ sinh có khoảng 800 người, với 481 nhân viên bán thời gian. Tuổi trung bình của họ là 51, trong đó 40% là nhân viên nữ.
Tuy nhà quản lý và hành khách rất trân trọng những cố gắng từ đội ngũ nhân viên, không phải ai cũng có thể giữ vững tinh thần làm việc. Không ít nhân viên bán thời gian phải bỏ cuộc sau 3 tháng thực tập căng thẳng.
Công ty Tessei tự hào đặt tên cho nhiệm vụ của những nhân viên vệ sinh là “Rạp dọn vệ sinh Shinkansen” (Shinkansen là tên hệ thống đường sắt cao tốc Nhật Bản), nhằm diễn tả “phần trình diễn” ấn tượng từ đội ngũ của mình.
Có nhiều chuyên gia vệ sinh từ châu Âu và Mỹ đã tới để quan sát quá trình làm việc của các công nhân này. Một đoàn từ CNN đã gọi khoảng thời gian đó là "7 phút thần kỳ".
Tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên còn truyền cảm hứng cho tác giả Isao Endo viết nên một cuốn sách hút khách mang tựa đề “Những thiên thần của Shinkansen” (Shinkansen osoji no tenshi-tachi). Trong đó, mô tả công việc của họ với từ khóa “3K”, là chữ viết tắt cho 3 từ trong tiếng Nhật “kansha,” “kangeki” và “kando” với ý nghĩa “lòng biết ơn”, “kịch tính” và “ấn tượng mạnh”.
Phạm Huyền