Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Những bữa cơm chay ở chùa cho khách thập phương


Đại lễ Vu Lan của Phật giáo trùng ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, nhiều người dù theo đạo hay không cũng thường lên chùa cầu cho các linh hồn siêu thoát, cầu an và xin một bữa cơm chay.

Hà Nội

Chùa Tứ Liên: Ngôi chùa nằm trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ còn có tên là chùa Tam Bảo, thường chật kín các Phật tử vào mỗi ngày rằm, mùng một. Chùa khá lớn và phía sau có khoảng sân khá rộng. Du khách tới đây sau khi thắp hương, vãn cảnh sẽ được thưởng thức những bữa tiệc chay do nhà chùa làm, được chế biến khá cầu kỳ từ thực vật, ngũ cốc.

imgo-2191-1440575675.jpg

Bữa chay ở chùa Tứ Liên. Ảnh: TTVH

Thường nhà chùa sẽ có các món như cơm, xôi vò, chè kho, bánh đúc tương bần, nộm hay nem chạo... được trình bày khá đẹp mắt. Nhiều thực khách là người nước ngoài cũng đến đây thưởng thức các món chay của chùa. Nhà chùa tận dụng tất cả khoảng trống nhưng nhiều khi vẫn không đủ chỗ và phải chia ra thành nhiều đợt ăn chay cho các Phật tử.

Chùa Quán Sứ: Thường vào dịp lễ Vu Lan, xu hướng ăn cơm chay càng phổ biến. Chùa Quán Sứ cũng thường tổ chức cơm chay cho các Phật tử thập phương vào những ngày này.

Nằm trên đường Quán Sứchùa mang đến các món chay đơn giản, được chế biến theo tôn chỉ hạn chế sát sinh nên thường làm từ đậu, rau dưa, lạc... và khách thập phương được mời miễn phí. Mỗi mâm cơm chay gồm sáu người. Mọi người ăn trong không gian gần gũi, thanh tịnh.

Chùa Vạn Niên: Tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, chùa Vạn Niên được xây dựng vào năm Thuận Thiên thứ 2 sau khi vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long. Nơi đây được coi là một trong những ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nội.

Vào ngày lễ, nhà chùa thường tổ chức các bữa cơm chay cho các Phật tử. Bữa cơm được chú trọng về hình thức, các món ăn trông rất hấp dẫn được chế biến từ các loại rau củ, quả... Nhiều người thích thú khi đến đây để tìm sự thanh thản, vừa được thưởng thức các món ăn chay phong phú, rất có lợi cho sức khỏe.

Sài Gòn

Chùa Vĩnh Nghiêm: Là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Sài Gòn, mùa lễ Vu Lan nào chùa Vĩnh Nghiêm cũng đón hàng trăm lượt khách thập phương ghé đến. Người thắp nhang cầu an, người dừng lại chùa dùng bữa cơm chay.

Chùa nằm trên con đường lớn Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Mùa lễ này bạn có thể cùng gia đình ghé qua chùa dùng bữa cơm với các món ăn thân thuộc nơi cửa Phật như đậu hũ, mì căn, nấm rơm hoặc hủ tiếu chay, mì chay...

Chùa Phổ Quang: Mỗi năm vào dịp lễ lớn, chùa Phổ Quang ở quận Tân Bình đều phát cơm chay cho các Phật tử đến lễ chùa. Hoạt động này diễn ra khá tấp nập, ai cũng muốn xin cho mình một suất vì quan niệm ăn món ở chùa sẽ thêm nhiều phần phước.

small-1213718477-nv-4338-1440575676.jpg

Những Phật tử tình nguyện chế biến rất nhiều món chay cho khách trong ngày lễ Vu Lan. Ảnh: phoquang

Các món ăn ở chùa đa phần được những Phật tử tự nguyện đến nấu và có nhiều lựa chọn như cà ri chay, tàu hũ kho tương, cơm chiên... Đối với những vị khách không chen chân được để dùng bữa chay, họ cũng thường chọn mua đồ chay ở trước cổng chùa mang về nhà dùng với gia đình.

Chùa Vạn Thiện: Không chỉ vào lễ Vu Lan mà mỗi tháng chùa Vạn Thiện còn phát cơm chay từ thiện 2 lần. Vào ngày lễ chùa, các Phật tử đến đây sẽ được thưởng thức những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng được chế biến ngon lành bởi những người tình nguyện. Người nghèo hoặc người muốn ăn một bữa cơm trong chùa đều có thể thưởng thức qua. Các món được phục vụ rất đa dạng gồm cơm với các món xào, đậu hũ, đậu nành, canh chua...

Một số lưu ý khi ăn chay trong chùa:

Các bữa chay trong chùa hầu hết ưu tiên cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, nên nếu bạn gặp trường hợp chưa được thưởng thức bữa chay vì chậm chân, hãy nhường cho họ. 

Chùa là nơi linh thiêng và trang nghiêm, bạn hãy mặc đồ tươm tất, lịch sự khi vào để dùng bữa cơm chay. Tránh mặc váy, quần đùi hoặc áo thun, áo ba lỗ. 

Khi ăn không nên cười nói quá lớn tiếng. Nếu có thể, bạn cũng nên phụ giúp các Phật tử trong khâu chế biến hoặc dọn dẹp sau khi dùng xong. 

Anh Thư - Tường Ý