Ngày nay, hầu hết du khách đều quen thuộc với những chiếc máy bay Boeing hay Airbus khi du lịch bằng đường hàng không. Ít ai biết trong quá khứ, lịch sử hàng không còn có những phi cơ độc đáo, thiết kế lạ mắt cùng những tính năng vượt trội như bay trên mặt nước trong khi tăng tốc tối đa.
ATL – 98 Carvair
Phần đầu của ATL - 98 được "độ" lại để chứa tới 5 chiếc ô tô. |
Lần đầu tiên xuất hiện: 1961
Nhìn bề ngoài, ATL – 98 bị đánh giá là tầm thường cho đến khi hành khách tới gần và chạm tay vào nội thất. Phi cơ này có bộ khung của những chiếc Douglas DC-4, từng phục vụ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau khi tân trang và cách điệu, ATL – 98 được “độ” thêm phần đầu to, cồng kềnh để có thể chở thêm 5 chiếc ô tô. Phần đuôi vẫn thon gọn và cho phép vận chuyển 25 hành khách mỗi chuyến.
Blohm & Voss BV 141
Chỉ 25 chiếc Blohm & Voss BV 141 từng được sản xuất nhưng đều đã bị phá hủy. |
Lần đầu tiên xuất hiện: 1938
Dù có thiết kế trang nhã, chiếc Blohm & Voss BV 141 lại chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi sử dụng làm máy bay trinh sát. Trong quá khứ, chính quyền Đức chỉ sản xuất 25 chiếc và phần lớn số này bị phá hủy trong thế chiến 2. Một vài máy bay sau đó dần hỏng hóc và không còn được sử dụng.
A – 90 Orlyonok
A-90 Orlyonok có thể bay hàng mét trên mặt nước. |
Lần đầu tiên xuất hiện: 1972
Được mệnh danh là “gã khổng lồ”, A – 90 Orlyonok là một trong những cú đột phá của Liên Xô cũ trong lĩnh vực hàng không. Phi cơ này có thiết kế độc đáo, bắt mắt cùng nhiều tính năng vượt trội như bay hàng mét dài trên mặt nước, tải trọng trên 30 tấn khi tăng tốc độ bay lên mức tối đa (250mph).
Mil V-12
Do thiết kế quá phức tạp, Mil V-12 đã bị ngừng sản xuất. |
Lần đầu tiên xuất hiện: 1968
Tiếp tục với phong cách độc đáo, khác biệt của người Nga, Mil V-12 là sự kết hợp giữa trực thăng và máy bay dân dụng, có thể chở 196 hành khách (tương đương 40 tấn). Trong lịch sử, chỉ hai chiếc Mil V-12 được sản xuất nhưng cuối cùng cũng phải ngừng hoạt động do thiết kế quá phức tạp. Dù vậy, đây vẫn được ghi nhận là máy bay trực thăng vĩ đại nhất từng được lắp ráp.
Pitcairn PCA-2
PCA-2 được mô tả có ngoại hình "trông như đứa trẻ hư hỏng". |
Lần đầu tiên xuất hiện: 1931
Với hình dáng bên ngoài được mô tả là “trông như đứa trẻ hư hỏng” trong làng máy bay, PCA-2 là phi cơ cánh quay đầu tiên được công nhận đủ điều kiện lưu thông tại Mỹ. Tốc độ của nó lúc bấy giờ có thể lên tới 190 km/h (118mph). 15 phút sau khi công bố sản phẩm này vào năm 1931, chiếc máy bay được một phi công là nữ giới lái đầu tiên.
Trần Hằng (theo Thrillist)