Các đoàn phượt lên điểm dừng chân tại đồn biên phòng 317 chủ yếu vào cuối tuần. Mưa cũng như nắng, việc làm quen với những chiếc xe máy có gắn lá cờ tổ quốc nhỏ tung bay trong gió trở thành điều quen thuộc với những chiến sĩ nơi đây. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, đoàn phượt được dẫn về phòng cất đồ đạc để chuẩn bị cho hành trình dài.
Việc chinh phục cột mốc Apachai sẽ không bắt đầu ngay mà chờ tới sáng sớm hôm sau để các thành viên trong đoàn lấy lại sức khỏe sau chuyến đi dài. Lúc ấy, mỗi đoàn phượt sẽ có một chiến sĩ do ban chỉ huy đồn phân công làm nhiệm vụ dẫn đường. Sáng ngày hôm sau, trong khi cả đoàn chuẩn bị ăn uống và đồ đạc cần thiết thì người lính đã chờ sẵn ở đầu hồi nhà nghỉ. Một ngày làm hướng dẫn viên cho những người đam mê chinh phục đã bắt đầu như thế.
Cột mốc phía tây là đích đến của nhiều người |
Nằm tại xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cột mốc phía tây của Tổ quốc được xây ở độ cao 1.864 m so với mặt nước biển. Để tới nơi được mệnh danh là ngã ba Đông Dương, các đoàn phượt đều phải vượt qua quãng đường dài khoảng 8 km. Khi mới bắt đầu, người lính biên phòng đi trước dẫn đường. Tới những khúc dốc quanh co trơn trượt sẽ đứng lùi lại hướng dẫn từng người cách vượt qua. Trong khi cả đoàn đều trang bị đầy đủ đồ nghề leo núi thì tất cả những người lính ở đây chỉ mang thêm một chiếc gậy làm hành trang. Có lẽ chính từ việc thường xuyên tuần tra, canh gác nơi cột mốc mà họ đều đi rừng mà không cần đồ bảo hộ như thế.
Con đường tới cột mốc phải băng qua hai ngọn núi với một phần bằng phẳng ở giữa. Có lẽ không quen với việc leo núi mà nhiều người trong đoàn luôn muốn kéo dài thời gian nghỉ lấy sức. Khi ấy, người hướng dẫn viên đặc biệt lại tìm cách vận động họ đi tiếp để tới được điểm nghỉ thoải mái hơn phía sau. Khi thì những phiến đá thật to, khi thì một phần đất bằng phẳng nhìn xuống chân núi đẹp mắt và khi thì một thân cây lớn mọc ngang làm thành cây cầu giữa hai tảng đá lớn. Tại mỗi điểm nghỉ, cả đoàn lại kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, cũng không quên hỏi han người lính trẻ.
Bữa trưa với cơm trắng và thịt gà đơn giản trên cột mốc |
Người hướng dẫn viên du lịch của đoàn phượt lần này là một người dân tộc Thái. Tại đơn vị công tác cũng có khá nhiều chiến sĩ đến từ các bản người Thái khác nhau. Từ sau khi Apachai được nhiều người biết tới, các chiến sĩ trở thành hướng dẫn viên cho những đoàn phượt mang trong mình đam mê chinh phục. Khi ấy, bên câu chuyện luyện tập, hành trình tuần tra nơi biên giới, các chiến sĩ còn kiêm luôn vai trò của một người hướng dẫn viên du lịch đặc biệt. Và trong mỗi chuyến đi như thế, khi trên đường gặp đoàn ngược chiều, những chiến sĩ ấy lại dừng lại chào nhau, báo cho nhau nghe tình hình đường đi phía trước rồi lại tiếp tục hành trình.
Trong ánh sáng len lỏi qua những tán lá của khu rừng, người lính ngồi nghỉ chân để mọi người lấy thêm nước tại con suối gần đó. Đây là con suối lớn, là một trong hai con suối nằm trên đường lên cột mốc. Với sự hướng dẫn của người dẫn đường, nhiều đoàn phượt qua đây đã tranh thủ lấy thêm nước bổ sung. Cứ thế dòng nước trong và mát lành được hứng đầy vào những chai nhỏ, đủ bổ sung cho chặng còn lại.
Đứng từ cột mốc, phóng tầm mắt nhìn ra mọi phía khiến cảm xúc của mỗi thành viên như thể lắng lại. Khoảnh khắc của chiến thắng, của tự hào khiến ai nấy nhìn nhau đều nở nụ cười. Lúc này cảm giác mệt và đói mới ùa tới. Vừa lúc người hướng dẫn đặc biệt của đoàn lúi húi mở ba lô mang ra một chiếc bọc lớn được gói cẩn thận bằng chiếc khăn màu bộ đội. Hóa ra là cơm được đồn biên phòng 317 chuẩn bị cho các thành viên theo lời đề nghị của mỗi đoàn. Bữa trưa chẳng cầu kỳ khi ấy sao ngon đến lạ lùng.
Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của người hướng dẫn viên đặc biệt |
Bao năm qua, bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình về rừng núi mà những chiến sĩ tại đồn biên phòng 317 đã đưa nhiều đoàn phượt chinh phục cột mốc thành công. Dù không phải là những chia sẻ hay hướng dẫn có hệ thống, chỉ đơn giản là những câu chuyện đầy cảm xúc của họ về con đường tới nơi gà gáy cả ba nước nghe nhưng khiến ai nấy đều cảm thấy tự hào hơn trên hành trình chinh phục mọi nẻo đường của Tổ quốc. Và có lẽ sau cảm giác thiêng liêng khi chạm tay tới cột mốc thì ấn tượng về người hướng dẫn viên đặc biệt sẽ là điều khiến nhiều người nhớ mãi không quên.
(Theo Ngoisao)