Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

Nỗi niềm ít du khách biết về nghề phi công


Phi công là công việc hấp dẫn, thú vị và hữu ích. Những chuyến đi dù ngắn dài, xuyên suốt mọi nơi đều giúp mở mang tầm nhìn và văn hóa. Mỗi lần lên máy bay, hầu như du khách nào cũng tò mò và đặt câu hỏi về những người lái máy bay - vốn được coi là linh hồn trong các cuộc di chuyển trên không.

pilot-2684667b-7387-1416287784.jpg

Trong ngành hàng không, phi công là nhân tố quan trọng nắm giữ sinh mạng của nhiều hành khách. Do đó yêu cầu trở thành phi công không hề đơn giản. Ảnh: Telegraph

Dù vậy, để được ngồi vào vị trí này, ít ai biết mỗi phi công phải vượt qua quá trình đào tạo lâu dài, thậm chí mất tới 10 năm mới được cầm lái. Không giống những công việc khác ở sân bay, một phi công trưởng thành phải đạt đủ hai yêu cầu gồm cơ bản và nâng cao mới được phép lái.

Trong đó, yêu cầu cơ bản chủ yếu liên quan tới trình độ học vấn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn làm việc trong buồng lái và ngao du khắp bốn phương, hãy tính chuyện lấy bằng đại học về chuyên ngành liên quan đến hàng không. Huấn luyện phi công rất gian nan và tốn kém, do đó bằng cấp thể hiện bạn có đủ khả năng để hoàn tất chương trình học. 

Tuy vậy, chỉ nhận bằng đại học thôi chưa đủ. Những phi công tương lai còn phải tự tìm các trường dạy bay và giáo viên tốt để theo học và tích lũy thêm bằng lái máy bay tư nhân. Yêu cầu bay tối thiểu của Cơ quan hàng không dân dụng (FAA) là 40 giờ bay, tuy nhiên thực tế họ phải đạt trung bình 60 giờ bay. Những trường được giám sát bởi FAA được cho là tốt hơn hẳn nếu muốn có chương trình đào tạo bài bản. 

Ngoài bằng cấp, giấy chứng nhận sức khỏe từ nhân viên kiểm tra y tế của FAA cũng là yêu cầu bất cứ phi công nào cũng phải đáp ứng. Với những người lái máy bay, họ phải chắc chắn đảm bảo sức khỏe tốt ngay từ bước đầu tiên, trước khi đầu tư cả núi tiền bạc và thời gian vào nghề này. 

Khi hoàn thiện những bước trên, phi công vẫn chưa thể phục vụ hành khách và phải tiếp tục trải qua quá trình đào tạo ở bậc nâng cao, trong đó họ phải đủ chuẩn đánh giá bay và lấy bằng lái thương mại (thường phải qua 250 giờ bay). Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá bay đòi hỏi tới 50 giờ lái với vai trò phi công trưởng và 40 giờ bay giả lập.  

Sau khi có bằng, các phi công tiếp tục làm việc tại trường hàng không. Một số đơn vị có thể yêu cầu họ dạy học và trả thù lao bằng việc lái máy bay. Đây được xem là việc hữu ích để được đánh giá tốt cho việc bay với loại máy bay có nhiều động cơ. Để được nhận bằng lái, mỗi phi công phải chứng minh mình đủ kinh nghiệm xử lý nhiều tình huống.

Nhiều hãng hàng không cũng trang bị các khóa huấn luyện cơ bản để đào tạo phi công bao gồm 3-6 tuần học dưới mặt đất và lái giả lập. Không chỉ vậy, họ cũng phải tham gia nhiều khóa huấn luyện thường kỳ và kiểm tra trên sự giả lập 1-2 mỗi năm trong suốt thời gian làm phi công.

Để tiếp tục nâng cao năng lực và tăng sức thuyết phục, các phi công tương lai phải đạt được chứng chỉ MEI (bay loại nhiều động cơ) và CFII (công cụ hướng dẫn bay). Nếu được đánh giá tốt và có tới 1.500 giờ bay, họ mới được nhận vào làm cho các hãng hàng không nội địa.

Còn để đầu quân cho hãng hàng không lớn, mỗi phi công cần khoảng 3.000 giờ bay và thậm chí con số này còn thay đổi tùy theo hãng. Đây mới chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu để nộp đơn vào một trong các hãng hàng không lớn, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. 

Phi công các hãng hàng không còn phải thỏa mãn một số tiêu chuẩn khác. Người nộp đơn phải ít nhất 23 tuổi và có 1.500 giờ bay bao gồm bay đêm, vượt qua kỳ thi viết và bay của FAA. 

Do phi công phải ra quyết định nhanh và chuẩn xác dưới áp lực cao, nhiều hãng hàng không từ chối những ứng viên không vượt qua vòng kiểm tra tâm lý. Mọi bằng lái đều được gia hạn nếu phi công vượt qua kiểm tra sức khỏe và mắt định kỳ cũng như kỳ sát hạch bay bởi FAA và hãng hàng không. 

Thảo Nghi