Tổng đài đặt vé
(028)7109.7999 0868.042.042

Peranakan - nền văn hóa đặc biệt ở Singapore


Nếu có dịp ghé thăm đất nước Singapore tươi đẹp, du khách sẽ được làm quen với một thuật ngữ mang tên Peranakan. Theo tiếng Malaysia, Peranakan có nghĩa là "được sinh ra tại địa phương" hay "con lai". Ngày nay, nó được dùng để chỉ nền văn hóa "ngoại lai" nhưng từng phát triển rất rực rỡ.

Vào các thế kỷ trước, nhiều thương nhân người Trung Quốc đến Singapore buôn bán, nhập cư. Tại đây, họ kết hôn với những cô gái người Malaysia bản địa. Thông thường, những người đàn ông Trung Hoa đều là những thương nhân giàu có, nên đối tượng của họ luôn là các cô gái bản địa xinh đẹp, giỏi giang. Hậu duệ của hai tộc người này được gọi là người Peranakan.

Untitled-5-5584-1411639705.jpg

Người phụ nữ Malaysia kết duyên cùng những người đàn ông Trung Quốc, hậu duệ của họ chính là người Peranakan ở Singapore. Ảnh: Layout.

Người nam Peranakan được gọi là Babas, còn người nữ được gọi là Nyonya (đọc là Nhô Nha). Ngoài tiếng Anh, người Peranakan thông thạo cả tiếng Malaysia và một loại phương ngữ pha trộn giữa tiếng Malaysia và tiếng Trung Quốc. Người Peranakan được coi là một phần quan trọng của cộng đồng văn hóa Singapore.

Do cha mẹ có xuất thân cao quý nên nhiều người Peranakan xưa kia được sinh ra trong giàu có, chăn ấm đệm êm và không phải lo lắng nhiều về cuộc sống thường nhật. Khi lớn lên, họ sẽ được tiếp quản cơ nghiệp mà ông cha để lại. Phần lớn họ đều là các thương gia, các chủ cửa hàng. Họ cũng thường hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hải vận, ngân hàng. Nhiều người trong số họ được các nhà chức trách người Anh lúc bấy giờ để bạt vào những vị trí lãnh đạo của đất nước. Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu chính là một người Peranakan tiêu biểu.

Untitled-6-1382-1411639705.jpg

Người Peranakan vẫn giữ truyền thống thờ cúng tổ tiên giống người Trung Quốc. Ảnh: Layout.

Trong khi những người đàn ông lo việc "trị quốc, bình thiên hạ", đi buôn bán đó đây thì những người phụ nữ ở nhà trở thành những "nội tướng" thực sự. Họ không chỉ đơn thuần là quán xuyến việc nấu ăn, thuê thùa, may vá mà họ còn tham gia vào việc buôn bán tại các cửa hàng của gia đình.

Đa số người Peranakan vẫn giữ họ và các phong tục văn hóa của Trung Quốc như thờ cúng tổ tiên, họ vẫn được xem là tộc người riêng biệt so với cộng đồng người Hoa tại đảo quốc sư tử. Họ cũng duy trì một số phong tục của văn hóa Malaysia nhưng không nhiều người theo đạo Hồi. Một số theo công giáo hoặc tin lành.

Người Peranakan cũng có nguồn gốc xuất thân từ địa vị kinh tế - xã hội cao hơn so với người Trung Quốc nhập cư. Tuy vậy vào cuộc đại suy thoái những năm 30 thế kỷ trước và thế chiến thứ hai đã ảnh hưởng nặng nề tới tộc người này. Từ đó trở đi, nhiều người trong số họ đã không thể khôi phục lại sự giàu có, quay lại lối sống xa hoa trước kia. Khoảng thời gian sau thế chiến đánh dấu bước đầu suy yếu của văn hóa Peranakan.

Một trong những điểm nổi bật của văn hóa Peranakan chính là ẩm thực mà người dân vẫn thường tự hào gọi là Ẩm thực Nyonya. Một số các món ăn Nyonya đặc trưng gồm babi pongteh (thịt heo om với sốt đậu), ayam buah keluak (thịt gà được om trong một loại nước sốt me sệt và cay cùng hạt keluak) và rendang bò (thịt bò được hầm với nước cốt dừa và các loại gia vị). Hương vị của các món ăn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ ẩm thực Malaysia và Indonesia thông qua việc sử dụng một loại gia vị gọi là Rempah và nước cốt dừa. Nếu ở Malaysia, thịt lợn (heo) bị cấm đoán gay gắt thì trong ẩm thực Nyonya, nó lại là một nguyên liệu phổ biến. Bên cạnh các món ăn, các nonya còn được biết đến với những chiếc bánh ngọt thường được gọi là nyonya kueh. Trong quá khứ, kỹ năng nấu ăn được xem như là một thành tựu cần phải có của một nyonya.

Joo-Chiat-Katong-2107-1411639705.jpg

Một dãy nhà của người Peranakan. Ảnh: Layout.

Người phụ nữ Peranakan còn biết đến với tài năng thêu thùa và kết cườm. Trang phục của Baba là một sự phối hợp phong phú của các loại vải dệt, thêu, kết cườm, lụa, satin...  Trang phục truyền thống của người phụ nữ Peranakan gọi là nyonya kebaya, thay thế cho baju panjang (tiếng Malay có nghĩa là "váy dài"). Nonya kebaya thường được thêu các họa tiết như hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa lan, hoa cúc, bươm bướm, ong, cá và gà. Phụ nữ Peranakan quan niệm mình càng ăn mặc đẹp thì càng thể hiện sự thịnh vượng, giàu có và làm rạng rỡ cho chồng. Vì vậy, họ rất quan trọng về trang phục, vẻ bề ngoài. Ngày nay, tiêu biểu cho trang phục của phụ nữ Peranakan là đồng phục của tiếp viên hãng hàng không Singapore Airlines.

Kiến trúc của người Peranakan cũng là một điểm thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân tới Singapore. Nhà ở của họ sử dụng nhiều màu sắc theo kiểu Á Đông. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ phong cách phương Tây nên các "tông" màu nhã nhặn hơn nhiều với kiểu sặc sỡ, màu đậm của kiến trúc Trung Quốc cổ điển. Hình dáng, đường nét nhà cửa của người Peranakan cũng đơn giản, tinh gọn chứ không uốn lượn, phức tạp.

Một ngôi nhà Peranakan điển hình sẽ có sảnh lớn, sảnh thứ hai đặt bàn thờ tổ tiên, phòng ngủ, nhà bếp, 1-2 sân trong, đồng thời có chức năng như giếng trời. Vào đầu thế kỷ 20 khi cộng đồng người Peranakan đang trong thời kỳ hưng thịnh, họ xây dựng nhiều ngôi nhà một tầng và những biệt thự xa hoa với nhiều đèn treo, đồ nội thất làm từ gỗ keo khảm xà cừ, tủ chén làm từ gỗ tếch và trưng bày vô vàn các loại đồ sứ đủ màu sắc.

24h lạc lối trong nền văn hóa Peranakan:

Đến Singapore, du khách có thể dành hẳn một ngày để tìm hiểu văn hóa Peranakan:

Ăn sáng với các món Peranakan truyền thống như mỳ Laska (tại quán Laska nổi tiếng 328) và các đồ ăn truyền thống khác.

Trưa hoặc tối: thưởng thức món Peranakan tinh tế trong các nhà hàng sang trọng như Blue Ginger. Đây cũng là nơi mà nhiều gia đình Peranakan tổ chức các lễ cưới ấm cúng.

Dạo chơi ở khu Joo Chiat - Katong (Khu di sản Peranakan). Nơi này rất yên tĩnh và chụp hình đẹp, phù hợp cho việc dạo bộ ngắm cảnh.

Sau đó, bạn có thể tham quan bảo tàng Peranakan, rồi mua sắm, tham quan các cửa hiệu Peranakan.

Hàng tuần các hãng hàng không ở Việt Nam đều có đường bay tới Singapore. Bạn xuống sân bay Changi rồi thuê taxi đến địa điểm du lịch, khách sạn mình muốn.

Vài nét về người Peranakan

Anh Minh