Nằm trên con đường sầm uất Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), quán thiền trà Om Padma Cintamani cho bạn một chốn thiên thai vô âu vô lo, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Chỉ cần đẩy cửa bước vào, mọi lo toan, mệt nhọc của bạn như tan biến theo hương trầm, tiếng suối chảy róc rách và tiếng nhạc Phật văng vẳng lúc xa lúc gần.
Vào đây bạn có cảm giác tách biệt với thế giới bên ngoài, chỉ còn tiếng suối, tiếng nhạc Phật và mùi trầm hương. Ảnh: Thảo Nghi |
Ý tưởng của quán thiền trà xuất phát từ tâm huyết của ông Nguyễn Hữu Hồng Kỳ. Ông đã kết hợp hài hòa yếu tố Phật giáo với nghệ thuật thưởng trà để tạo nên một nơi bình yên như tiên cảnh. Không chỉ đơn thuần pha trà rồi uống, quán Om Padma Cintamani còn mang cho bạn nhiều khái niệm thú vị như độc ẩm, đối ẩm... Trong đó, độc ẩm (uống trà một mình) là cách để bạn tự chiêm nghiệm những vấn đề rối ren mình đang gặp phải và sáng suốt tìm ra cách giải quyết. Còn đối ẩm (uống trà hai người) cho bạn cơ hội thấu hiểu người đối diện.
Người phương Đông từ thời xa xưa vốn rất khắt khe trong việc chọn bạn. Có câu: "Bạn rượu thì dễ kiếm, bạn cùng thưởng trà để hàn huyên tâm sự thì giống như mò kim dưới đáy bể". Vậy nên cố nhân mới thường dùng trà để tìm bạn, ngồi suốt bên bàn trà và rót mời khách quý. Quan sát cách chọn tách trà, nâng niu, ngửi hương thơm của trà và đưa lên thưởng thức, bạn có thể phần nào đoán được tính tình của người đối diện, rằng họ có phải bạn tri âm hoặc tri kỷ của mình hay không.
Thông thường người pha trà không rót trực tiếp trà từ tử sa (ấm) vào tách, mà sẽ cho vào một vật dụng khác gọi là tống. Ảnh: Thảo Nghi |
Việc thưởng trà tại quán cũng lắm công phu, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Có những người quá vội vã nên không thể nào ngồi yên để trải qua từng công đoạn của thiền trà. Ít ai hiểu rằng chính việc dừng lại tĩnh tâm pha trà mới là cách để chúng ta lùi một bước để tiến ba bước. Thậm chí khi đã thấu hiểu hơn về nghệ thuật thiền trà, bạn còn có thể đoán biết tâm tư của người khác dựa vào vị trà người đó pha.
Tách dùng uống trà có nhiều loại, kiểu dáng khác nhau. Việc chọn riêng một tách có thể nói lên nhiều về tính cách và tâm tư của người thưởng trà. Ảnh: Thảo Nghi |
Quán Om Padma Cintamani được bài trí tỉ mỉ, từ những khúc gỗ được chạm khắc hình Bồ Đề Đạt Ma điệu nghệ, những ấm tử sa, tách, cho đến các loại trà sạch được ủ nhiều năm liền.
Có nhiều loại trà để bạn thử qua ở quán như trà phổ thông, thiết quan âm, ô long, san tuyết cổ thụ nhưng ngon nhất là trà lão. Trà lão có giá thành đắt nhất, do phải ủ đến 11 năm mới có. Một bình trà bạn uống có giá từ 39.000 đến 79.000 đồng tùy loại. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu vài món kèm với trà như quả hồ đào, bánh ngũ cốc, hạt bí...
Ưu điểm: Không gian bình yên bao trùm nhờ hương trầm, tiếng suối và nhạc Phật. Bạn sẽ được hướng dẫn chu đáo để tự pha trà hoặc yêu cầu nhân viên làm giúp. Trà rất thơm và có nhiều loại đa dạng.
Khuyết điểm: Chỉ có 5 bàn trà để phục vụ khách, không phục vụ thức ăn.
Điểm của VnExpress: 4/5
Địa chỉ: 223 Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận.
Thảo Nghi