Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

Rối bời với thị thực du lịch


Việc quy định về miễn phí thị thực visa cho các nước đang được nhiều người quan tâm tới. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là quy định về miễn thị thực cho du khách từ năm nước Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý sẽ hết hạn.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gia hạn miễn thị thực có thời hạn một năm cho công dân năm quốc gia Tây Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30-6-2017. Như vậy chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là quy định về miễn thị thực cho du khách từ năm nước trên sẽ hết hạn.

Thế nhưng đến nay khách du lịch và cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa biết chính sách trên có được tiếp tục thực hiện hay chấm dứt. Chính sự mập mờ, chậm trễ này khiến các công ty du lịch rối bời và du lịch Việt khó cạnh tranh với các nước xung quanh.

Không thấy hồi âm

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho hay đã nhận được rất nhiều thắc mắc từ các hội viên về việc miễn thị thực. Hiệp hội cũng có nhiều văn bản kiến nghị và yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời có tiếp tục gia hạn miễn visa nữa hay không để cho các doanh nghiệp trong nước còn làm ăn với đối tác nước ngoài.

Bởi với những thị trường xa như Tây Âu, du khách thường có kế hoạch cho chuyến đi từ rất sớm nên các công ty du lịch cần biết trước để chuẩn bị quảng bá, chào bán sản phẩm. Đặc biệt, ngành du lịch cần tập trung cho mùa du lịch vào cuối năm nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy hồi âm từ cơ quan chức năng.

“Từ giữa tháng 2-2017, chúng tôi đã gửi kiến nghị về việc gia hạn chính sách này. Cộng đồng doanh nghiệp cần những chính sách dài hơi để chủ động xây dựng, quảng bá sản phẩm thay vì cứ làm từng giai đoạn ngắn rồi chờ chính sách như lâu nay” - bà Khánh nói.

Nhiều công ty du lịch cũng cho biết đang rất sốt ruột chờ chính sách mới và thị thực đang là rào cản lớn của ngành du lịch. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, cho hay các công ty đang gặp khó khăn. Vì chỉ còn một tháng nữa mà Chính phủ vẫn chưa có thông báo có gia hạn nên các đối tác nước ngoài ngại ngần thúc đẩy khách du lịch sang Việt Nam. Họ không biết chắc chắn khách của họ có phải làm visa hay không.

“Theo tôi, vấn đề này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và đang vô tình cản trở khách du lịch sang Việt Nam” - ông Đạt nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Bến Thành Tourist thì nhìn nhận việc miễn visa cho du khách năm thị trường trọng điểm đang được áp dụng còn nhiều hạn chế. Ví dụ chỉ cấp miễn visa trong vòng 15 ngày, trong khi nhu cầu du lịch của du khách dài ngày hơn. Hơn nữa du khách châu Âu thường lên kế hoạch đi chơi từ trước sáu tháng đến một năm. Do vậy, việc chậm trễ gia hạn visa sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến của du khách.
Từ thực tế trên, nhiều công ty du lịch cho rằng Chính phủ đã thí điểm thực hiện chính sách miễn thị thực được hai năm, nay nên thực hiện chính thức, dài hạn để tạo động lực cho du lịch tăng trưởng. Nếu cứ để đến gần hết hạn mới có quyết định cho thực hiện tiếp hay không thì ngành du lịch sẽ mất một chu kỳ đón khách.

Đang chờ Chính phủ

Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhận định du khách châu Âu là nguồn thị trường trọng yếu với tiềm năng khai thác rất lớn. Do đó kiến nghị Bộ VH-TT&DL đề nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn visa cho công dân năm quốc gia trên trong thời hạn năm năm, tức đến ngày 30-6-2022 thay vì gia hạn từng năm. Đồng thời nâng thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện tại. Đặc biệt cần miễn thị thực cho những người vào Việt Nam đi du lịch sang nước khác rồi quay lại.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel thì cho rằng nên gia tăng thời gian áp dụng visa đến năm năm không chỉ cho những quốc gia Tây Âu mà cho cả những thị trường tiềm năng khác như châu Mỹ, Úc… Nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có những chính sách phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn du khách, trước mắt là tháo gỡ vướng mắc về thị thực.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, cho rằng tốt nhất là không chỉ miễn visa một năm một mà nên miễn dài hạn. Đặc biệt, Nhà nước nên cho visa nhiều lần thay vì một lần vì nhiều khách bay đến Việt Nam rồi sang Lào, Campuchia mới trở lại Việt Nam để bay về nước của họ. Có như vậy thì Việt Nam mới trở thành cửa ngõ du lịch tại ba nước Đông Dương và khu vực. Ngành hàng không mới được hưởng lợi theo.

“Có ý kiến cho rằng chúng ta không muốn miễn visa vì lý do an ninh hay để thu phí visa. Theo tôi, về vấn đề an ninh, không quá lo ngại vì vẫn có thể từ chối cho những khách diện nghi vấn nhập cảnh. Còn thu phí visa như là bán vé để cho khách vào chợ. Nhưng nếu chúng ta miễn phí để có nhiều khách vào chợ hơn thì chúng ta có thể thu được tiền nhiều gấp mấy lần tiền vé” - ông Đạt lập luận.

Đại diện Tổng cục Du lịch thuộc Bộ VH-TT&DL cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch về việc tiếp tục gia hạn chính sách miễn visa cho công dân năm quốc gia Tây Âu lên năm năm, nâng thời hạn tạm trú lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay... Và tổng cục đã kiến nghị vấn đề này lên Chính phủ.

Theo thống kê, chỉ riêng sáu tháng cuối năm 2016, du khách đến từ năm quốc gia Tây Âu đạt gần 400.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này nhờ rất lớn vào việc miễn visa.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ miễn visa cho công dân đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó nhiều quốc gia lân cận đã có chính sách miễn visa rộng hơn. Chẳng hạn như Thái Lan miễn visa cho công dân đến từ 61 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn visa cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn visa cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn visa cho công dân đến từ 169 quốc gia và vùng lãnh thổ.

theo baomoi.com

Xem thêmDU KHÁCH TRUNG QUỐC TỐ NHÂN VIÊN TIÊU CỰC Ở SÂN BAY ĐÃ ĐỒNG Ý XUẤT CẢNH VỀ NƯỚC