Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ nếu có thể cho phép doanh nghiệp xây sân golf, làm biệt thự thì tại sao không giao đất cho ngành hàng không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Sáng 8/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng đây là điều vô lý.
“Nếu giao đất cho doanh nghiệp xây dựng sân golf, làm biệt thự, nhà hàng thì tại sao lại không giao cho ngành hàng không Việt Nam. Còn chuyện có chuyển hẳn sang đất dân sự hay không thì Chính phủ sẽ bàn với các bên hữu quan”, ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, sân bay Tân Sơn Nhất hiện rất cần mở rộng. Phần diện tích sân golf hoàn toàn có thể sử dựng để xây các công trình phụ trợ để giám áp lực quá tải cho Tân Sơn Nhất trong khi chờ sân bay Long Thành.
Ông cũng chỉ ra điểm bất hợp lý trong sử dụng đất tại sân bay này. Bộ Quốc phòng giải thích đó là đất quốc phòng chưa sử dụng nên mới cho tư nhân thuê làm sân golf. Vậy tại sao không giao đất cho ngành hàng không và khi cần cho nhiệm vụ quốc phòng thì có thể hoàn trả lại?
“Vấn đề này theo tôi có thể bàn bạc, sắp xếp với nhau được”, ông Nghĩa nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ qua tiếp xúc cử tri, những người như ông Lê Trọng Sành (cựu cán bộ cao cấp trong ngành hàng không không quân), ông Phan Tương (cựu Giám đốc sân bay) và nhiều cán bộ hưu trí có hiểu biết lĩnh vực này, đều thấy rằng chuyện làm sân golf là vô lý. Đã có thể giao cho tư nhân làm sân golf thời gian dài như thế thì tại sao không giao lại cho Tân Sơn Nhất. Trong khi, sân bay đang rất cần đất để mở rộng khu vực phục vụ cũng như các lối ra để giảm ách tắc cho nhà ga cũng như giao thông phía đường Trường Sơn.
Tại cuộc thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 1/6, trước nhiều ý kiến băn khoăn, Chính uỷ Quân chủng Phòng không Không quân Lâm Quang Đại giải thích: “Tôi nghĩ sân golf chiếm diện tích nhỏ thôi, chiếm 132 ha trong số 157 ha đất quốc phòng. Còn giai đoạn 2 xây dựng một số hạng mục liên quan đến thể thao thì vẫn chưa triển khai”.
Trong công văn trả lời ý kiến của cử tri TP.HCM, đặc biệt là cử tri Tân Bình về sân golf, Bộ Quốc phòng cho biết sân golf xây từ 2007, chính thức khai thác vào 2015. Để xây dựng được hai sân golf này, đã có 133 văn bản từ các địa phương đến bộ ngành.
“Bộ Quốc phòng thống nhất về mặt quan điểm xây dựng sân golf là để tận dụng đất còn nhàn rỗi để phát triển kinh tế, củng cố hệ thống doanh trại cho các cơ quan đơn vị trong quân đội. Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về mặt quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên. Tất cả các công trình trên sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay, hàng không, Bộ sẽ kiên quyết cho dừng triển khai”, ông Đại khẳng định.
Theo news.zing.vn
Xem thêm: VẬN TẢI CƠ Y-8F-200, DO TRUNG QUỐC SẢN XUẤT VỪA RƠI Ở MYANMAR