Liên quan đến vụ việc sân bay Tân Sơn Nhất hết chỗ đậu vì quá tải, thì bên cạnh sân bay là một sân golf chiếm trọn đất của sân bay khiến cho việc đậu đỗ hạ canh và cất cánh gặp rất nhiều khó khăn, có lần đã phải xuống tận Cần Thơ để đậu nhờ. Đường xá đi lại thì kẹt xe lối vào sân bay thì hạn hẹp rất khó khăn cho tất cả mọi người làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như đời sống của người dân gặp rắc rối khi muốn bay tại sân bay này. Việc sân golf làm cho nhiều người không khỏi bức xúc thì mới đây thiếu tướng Lâm Quang Đại, chính ủy Quân chủng phòng không - không quân, nói về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất khi thảo luận tại phiên họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 1-6.
Mặc dù nội dung thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ chiều 1-6 lại tập trung bàn về những bất cập từ sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của thiếu tướng Lâm Quang Đại, chính ủy Quân chủng phòng không - không quân, nói về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất khi thảo luận tại phiên họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
“Sẽ thu hồi sân golf nếu ảnh hưởng quốc phòng và an toàn bay”, ông Đại nêu và cho biết: “Đây là quan điểm nhất quán của Bộ Quốc phòng!”.
“Sẽ thu hồi sân golf bất kỳ lúc nào, nếu...”
Ngay sau phiên họp, tối 1-6 Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với thiếu tướng Lâm Quang Đại để làm rõ hơn nội dung này.
Ông cho biết với tư cách là đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông đã lắng nghe ý kiến của cử tri TP.HCM, đặc biệt là cử tri quận Tân Bình, phản ảnh về sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có vấn đề sân golf trong sân bay. Và mới đây, Bộ Quốc phòng đã có văn bản để trả lời các kiến nghị này của cử tri.
“Tinh thần là chỉ khai thác sân golf ở phần đất chưa có mục đích khai thác quốc phòng ngay, hỗ trợ kinh tế để xây dựng các cơ sở của quân đội, trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp” - thiếu tướng Lâm Quang Đại nói.
Ông cho biết sẽ có các trường hợp chính để thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: “Thứ nhất là Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi ở bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về quốc phòng.
Thứ hai là khi có chỉ thị của cấp trên. Thứ ba là nếu các công trình trên sân golf làm ảnh hưởng đến an toàn bay, an toàn hàng không thì Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết cho thu hồi khi có kiến nghị của Cục Hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam hay cao hơn nữa là Bộ GTVT”.
Về việc xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, thiếu tướng Lâm Quang Đại cho rằng: “Đây là vấn đề lịch sử, để xây dựng sân golf này, từ các địa phương đến các bộ ngành đã ban hành đến 133 văn bản. Sân golf này xây từ năm 2007, nhưng chính thức khai thác là năm 2015”.
Đánh giá về tác động của sân golf trong sân bay, ông nói: “Tôi nghĩ công trình sân golf chiếm diện tích nhỏ thôi, 157ha, trong đó sân golf là 132ha. Còn giai đoạn 2 như báo cáo của Bộ Quốc phòng là giai đoạn liên quan đến các hạng mục thể thao thì hiện vẫn chưa xây dựng”.
Ông cho biết vừa qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã thảo luận để mở sân bay Tân Sơn Nhất ra một hướng mới, sẽ xây dựng thêm một nhà ga lưỡng dụng.
Quân chủng phòng không - không quân được Bộ Quốc phòng chỉ đạo đã di dời các đơn vị gồm một trung đoàn và một lữ đoàn từ Tân Sơn Nhất đi Cần Thơ và Biên Hòa để dành đất quân sự phát triển ngành hàng không, đáp ứng nhu cầu hiện nay của Tân Sơn Nhất.
Theo ông, vấn đề ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là thiếu sân đỗ máy bay và kết nối giao thông với sân bay.
“Không giải quyết, lòng dân sẽ bất an”
Tại phiên họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng đề cập điều này khi nhắc đến phần đất sân bay Tân Sơn Nhất bị cắt ra để làm sân golf, nhà hàng.
“Trong khi bên cạnh sân golf là sân bay quá tải, ngoài sân bay kẹt xe nhích từng chút thì đất sân bay lại được cắt sử dụng mục đích khác. Ai có vào sân golf, nhà hàng khách sạn đó mới thấy lòng đau nhói” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc nói.
Ông Lộc đặt câu hỏi: “Tại sao không mở thêm cửa ngõ sân bay cho các hãng hàng không ở vị trí sân golf, nhà hàng khách sạn này?”.
Ông Lộc cũng đề cập đến việc mở thêm cửa sân bay Tân Sơn Nhất ở đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) vì cho rằng nếu có sự cố nào đó ở sân bay Tân Sơn Nhất thì với một cửa ngõ vào sân bay như hiện nay rất khó để xử lý. “Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an” - ông Lộc nói.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại đã chia sẻ lo lắng này, ông cho biết hướng tới có một nhánh cửa sân bay sẽ mở từ phía đường Hoàng Hoa Thám. Còn về phía bắc có thể mở lối ra từ sân bay được nhưng số tiền đền bù giải tỏa là rất lớn, đây là bài toán khó cho TP.HCM.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi theo thiếu tướng Lâm Quang Đại chính là sự vô lý khi tồn tại một sân bay nằm giữa thành phố, ông nói chưa thấy nước nào mà sân bay nằm giữa lòng thành phố.
“Tôi thấy rất nguy hiểm, nếu có sự cố nào đó về hàng không thì không chỉ máy bay mà ở mặt đất tai nạn xảy ra sẽ rất khôn lường” - thiếu tướng Lâm Quang Đại cảnh báo và cho rằng đó là lý do rất quan trọng để xây sân bay quốc tế Long Thành.
Tiền đâu di dời dân tại Long Thành?
Trở lại yêu cầu chính của phiên thảo luận, đa số đại biểu đều nhất trí về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, hai vấn đề chưa yên tâm chính là kinh phí để thực hiện dự án và đời sống người dân nhường đất cho sân bay Long Thành sẽ ra sao tại nơi ở mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói: “Nhiều dự án, người dân khi rời đi có nơi ở mới tốt hơn không nhiều. Vì chúng ta không quan niệm tổ chức cuộc sống mới cho người dân mà thiên về hướng bồi thường thu hồi đất, tái định cư”.
Bà Tâm cho rằng phải có quan điểm toàn diện là tổ chức cuộc sống cho người dân, nơi buôn bán làm ăn, chỗ con cái học hành tốt hơn chỗ cũ.
“Để xây sân bay Long Thành, diện tích giải tỏa thu hồi đất rất lớn. Làm sao để không phát sinh vấn đề xã hội, thiệt thòi thuộc về người dân” - bà Tâm nói.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) cho rằng nghị quyết của Quốc hội (số 94/2015/QH13) về chủ trương xây sân bay Long Thành “quên mất” phần rất quan trọng là thu hồi đất.
Theo ông Tiến, để thu hồi hơn 5.000ha đất cho dự án thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải cần tối thiểu 23.000 tỉ đồng, nhưng trong tờ trình của Chính phủ thì mới chỉ bố trí được 5.000 tỉ đồng.
“Vậy còn hơn 18.000 tỉ đồng thì tìm kiếm từ đâu, và đây là điều rất quan trọng nên đề nghị Chính phủ phải có phương án khả thi” - ông Tiến nêu.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cho rằng phải tính toán rất kỹ và đồng bộ.
Dự án giải phóng mặt bằng liên quan 6 xã, với đối tượng dân cư đông thì “đề nghị phải lường trước, củng cố pháp lý thật rõ ràng, chắc chắn.
Đặc biệt, về nguồn lực, phải tính toán phương án tài chính thật kỹ lưỡng. 23.000 tỉ đồng phải chỉ ra được sẽ lấy từ đâu, chứ không phải chỉ giao cho Bộ GTVT”.
theo tuoitre.vn
Xem thêm: PHÁT BIỂU NHÓI LÒNG CỦA ĐẠI BIỂU NÓI VỀ SÂN GOLF TRONG SÂN BAY