Nhà thờ St. Basil nằm giữa lòng thủ đô Moscow, phía nam Quảng trường Đỏ và gần cung điện Kremlin. Năm 1555, để kỷ niệm chiến thắng ở Kazan và Astrakhan, Ivan Bạo chúa - Sa hoàng đầu tiên của Nga đã ra lệnh cho kiến trúc sư Barma và Postnik Yakovlev xây dựng nhà thờ thật tráng lệ với tháp chóp hình củ hành, trên đỉnh có cây thánh giá bằng gạch đỏ. Nhà thờ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1561. Tại thời điểm đó, đây là tòa nhà cao nhất Moscow, còn hiện tại là một trong 7 kỳ quan hấp dẫn du khách nhất nước Nga.
Nhà thờ St. Basil vẫn đứng vững sau nhiều thăng trầm lịch sử. Ảnh: Nightcitylights. |
Ban đầu, nhà thờ St. Basil chỉ có 8 tòa tháp, mỗi tòa tượng trưng cho một cuộc tấn công vào Kazan. Tuy nhiên, đến năm 1588, tòa tháp thứ 9 được xây dựng với mục đích lưu giữ hài cốt vị linh mục Chính thống giáo người Nga Basil. Từ đó, nhà thờ được gọi là nhà thờ St. Basil (nhà thờ Thánh Basil).
Lịch sử nhà thờ St. Basil hầu như luôn bị che mờ trong huyền thoại và truyền thuyết, trong đó nổi bật là câu chuyện xoay quanh vị kiến trúc sư đã thiết kế nên kiệt tác vĩ đại này.
Kiến trúc tinh xảo bên trong nhà thờ. Ảnh: Spbrossiltour. |
Truyền thuyết kể rằng sau khi nhà thờ hoàn thành, Ivan Bạo chúa đã ra lệnh cho hai kiến trúc sư phải tự chọc thủng mắt mình để họ không bao giờ có thể tạo ra được tác phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc có một hay hai kiến trúc sư đằng sau nhà thờ St. Basil cho tới nay vẫn còn gây tranh cãi. Theo tài liệu từ Cơ quản quản lý di sản Nga, hai người đó có tên là Barma và Postnik Yakovlev, nhưng nhiều học giả nghiêng về ý kiến 2 cái tên này chỉ đề cập đến một người duy nhất.
Câu chuyện về nhà thờ St. Basil không chỉ xoay quanh vị kiến trúc sư mù mà còn cả những thời khắc thăng trầm trong lịch sử tòa kiến trúc vĩ đại, đỉnh điểm là hai lần suýt bị đánh sập.
Lần đầu tiên là khi Napoleon nhìn thấy và bị mê mẩn bởi vẻ đẹp của mhà thờ, đã quyết định đưa toàn bộ khối kiệt tác về Paris. Tuy nhiên khi biết ý tưởng không thể thực hiện, Napoleon ra lệnh hủy hoại nơi này. May mắn thay, vào thời điểm thuốc nổ châm ngòi, một cơn mưa lớn bất ngờ trút xuống dập tắt mồi lửa và nhà thờ St. Basil thoát nạn.
Lần hai là khi Stalin quyết định phá hủy nhà thờ nhằm tái quy hoạch Quảng trường Đỏ. Tuy nhiên, vào giờ phút chuẩn bị giật sập thì kiến trúc sư Baranovsky dọa sẽ cắt cổ tự tử ngay tại nhà thờ và gửi thư đến Stalin. Sau đó Stalin nghĩ lại và chỉ bỏ tù Baranovsky 5 năm.
Ngày nay, Nhà thờ St. Basil là một trong 7 kỳ quan hấp dẫn nhất nước Nga. Ảnh: All photography blog. |
Các cơ quan bảo tồn di sản bắt đầu để tâm đến Nhà thờ St. Basil vào cuối những năm 1800. Việc tu sửa đã được lên kế hoạch nhưng liên tục bị trì hoãn do vấn đề về tài chính. Cho tới năm 1899, Hoàng đế Nicholas II nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị lịch sử nên đã cho lắp hệ thống làm ấm không khí vào năm 1908 và hệ thống nước nóng vào năm 1913.
Năm 1990, nhà thờ St. Basil chính thức trở thành một phần di sản văn hóa thế giới cùng điện Kremlin và Quảng trường Đỏ do UNESCO công nhận. Ngày nay, vào những dịp lễ lớn, nhà thờ St. Basil là nơi cử hành thánh lễ cho công chúng tham gia.
Xem thêm: Những nhà thờ khiến người xem dựng tóc gáy
Hải Thu