Tổng đài đặt vé
0868.042.042 (028)7109.7999

Trải nghiệm leo tháp truyền hình, thăm chùa Địa Ngục ở Tam Đảo


Tam Đảo cách Hà Nội chừng 70 km, nằm ở độ cao 1.000 m nên không khí quanh năm trong lành, mát mẻ. Du khách tới đây thường ghé thăm các nơi như thác Bạc, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, cổng Trời.

Chinh phục tháp truyền hình

Tháp truyền hình Tam Đảo nằm ở độ cao 1.250 m. Để tới được, bạn phải leo qua gần 1.400 bậc thang đá dốc. Đường lên tháp gây ấn tượng với nhiều người bởi cây cối xanh hai bên cùng tiếng chim hót, gió rít từ rừng vọng ra. 

Từ đỉnh, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát khung cảnh rộng lớn xung quanh. Những mái nhà giữa giàn su su trở nên nhỏ, con người thành chấm bé hơn. Hành trình lên tháp không quá dài như Yên Tử, chùa Hương... nhưng vẫn là trải nghiệm khó quên với du khách, đặc biệt những người lần đầu trekking.

Khám phá chùa Địa Ngục

549601-10151113977275325-49768-8798-8572

Những tấm vải chỉ đường khiến nhiều du khách sợ hãi. Ảnh: Trọng Nguyễn.

Chùa Địa Ngục nằm sâu trong vườn quốc gia Tam Đảo là đích chinh phục của dân phượt ưa mạo hiểm. Công trình này hiện nay được phục dựng lại trên nền cũ với những ngôi mộ cổ cao chừng 6 m phía trước cổng. Theo nhiều tài liệu lịch sử, đây chính là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam từ thời Hùng Vương.

Bạn phải vượt qua khoảng 12 km đường rừng, đi trên những đoạn nhỏ hẹp, hun hút mới tới đích. Dọc hành trình là các thân cây lớn, dây leo chằng chịt hay bụi rậm ẩm thấp. Đặc biệt, một số tấm vải vàng dán chữ đỏ chỉ đường vào chùa nằm rải rác dọc đường càng khiến khung cảnh thêm phần liêu trai. Tuy nhiên, hành trình ấy vẫn có đoạn khiến du khách phải ngỡ ngàng như khu rừng trúc xanh mát hệt như phim kiếm hiệp. Để chuyến đi trọn vẹn, bạn nên hỏi kỹ đường đi từ người dân địa phương cũng như chuẩn bị đầy đủ các vật dụng đi rừng.

Chụp ảnh nhà thờ cổ Tam Đảo

NT-4000-1434165987.jpg

Để tìm góc chụp lạ hơn, bạn có thể đứng ở những vị trí khác nhau trong thị trấn chụp xuống hoặc tranh thủ các khoảng thời gian vàng như sáng sớm, chiều tà... Ảnh: Hương Chi.

Nhà thờ cổ Tam Đảo xây dựng khoảng năm 1906 với hình dáng ban đầu là nhà sàn lợp lá. Đến năm 1937, công trình được làm lại bằng gạch, thép, đá và có hai tầng trên nền cao 10 m.

Nhà thờ có khoảng sân rộng phía trước với các vòm cửa hình bán nguyệt. Đây chính là điểm chụp hình quen thuộc và yêu thích của nhiều du khách. Một số người còn ví von Tam Đảo là mảnh đất xinh đẹp với những vòm cửa đầy lãng mạn.

Thưởng thức các món chế biến từ su su

Tam Đảo là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những giàn su su xanh mát ở nhiều nơi như lưng chừng núi, các khoảng đất trống hay tường rào. Chính yếu tố tự nhiên thuận lợi đã biến su su trở thành loại cây đặc sản của vùng đất này.

Du khách tới đây có thể thưởng thức nhiều món ngon chế biến từ su su. Trong đó phổ biến nhất là rau xào và quả luộc. Những ngọn xanh, non, ngắt thành đoạn vừa ăn rồi luộc sơ. Sau đó, người làm đem xào chung cùng tỏi đập dập. Tùy khẩu vị, bạn có thể chọn thêm thịt bò hay lòng gà xào cùng. Món su su luộc thì chọn những quả non nên vị ngọt tự nhiên hơn hẳn. Khi ăn, bạn chấm cùng muối lạc, vừng hoặc nước tương đậu nành thả thêm chút tỏi tươi cho dậy mùi.

Dạo quanh chợ Tam Đảo

IMG-1732-JPG-6461-1434159475.jpg

Bạn có thể tranh thủ mua rau su su tươi với giá rẻ tại chợ. Ảnh: Diệu Huyền.

Chợ Tam Đảo họp ngay trung tâm thị trấn, là điểm hẹn của nhiều du khách. Nơi đây phân ra hai phần. Khu bán đồ nông sản là nơi bạn tìm hiểu được tập quán và lối sống của người dân địa phương. Chuối, mít và rau su su là các loại được bày bán nhiều nhất. Các hàng gà, lợn con cũng xuất hiện xen kẽ dù không nhiều. Khu đồ lưu niệm chủ yếu là các món quen thuộc như vòng tay, mũ túi và các loại thuốc từ lá, củ, rễ cây...

Bạn có thể đi dạo một vòng trước khi quyết định mua món nào. Ngoài ra, chợ có các hàng ăn nhanh phục vụ nhu cầu của nhiều du khách muốn vừa khám phá vừa nhâm nhi chút gì đó.

Diệu Huyền