Trong văn hóa Nhật Bản, Obon là một lễ hội xuất phát từ Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành. Lễ hội Obon xuất hiện tại đất nước này từ hơn 500 năm trước. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để các gia đình tụ họp, quét dọn bàn thờ tổ tiên và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
Bức tranh miêu tả lại ngày lễ Obon thời kỳ Edo tại Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia |
Sự khác biệt về tập quán các vùng miền của Nhật Bản khiến lễ hội diễn ra 3 lần, trong đó “Obon tháng 7” được tổ chức vào 15/7 dương lịch, “Obon tháng 8” vào khoảng 15/8 hàng năm, còn “Kyo Obon” (tức Obon cũ) là ngày 15/7 âm lịch. Đây không được coi là ngày lễ chính thức của người Nhật, nhưng thông thường người dân vẫn được nghỉ học và nghỉ làm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về Mokuren (Mục Kiền Liên), một đệ tử của Đức Phật. Truyền thuyết kể rằng, Mokuren sau nhiều năm tu luyện đã đắc đạo và có pháp thuật tinh thông. Vì muốn báo hiếu với người mẹ mất sớm, ông sử dụng pháp lực để tìm mẹ khắp nơi. Mokuren phát hiện mẹ mình sau khi chết đi bị biến thành quỷ đói, đày xuống âm ti và chịu nhiều cực hình.
Không cam lòng, ông tìm đến Đức Phật để hỏi cách nào giúp mẹ thoát khỏi kiếp quỷ đói. Đức Phật nói rằng Mokuren phải cúng đồ cho các nhà tu vào ngày 15 của tháng thứ 7. Ông nghe theo lời Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đã dặn.
Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Quá đỗi vui mừng, Mokuren liền nhảy một điệu múa. Về sau, lễ hội tổ chức để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên gọi là Obon, còn điệu múa nổi tiếng của lễ hội được đặt tên là Bon Odori.
Bon Odori là điệu múa có nhiều cách thể hiện trên khắp nước Nhật, nhằm xoa dịu linh hồn người đã khuất. Ảnh: easycorner |
Điệu nhảy Bon Odori bắt nguồn từ một điệu nhảy dân gian của người Nenbutsu để xoa dịu linh hồn của những người đã khuất. Sau này mỗi địa phương đều có điệu nhảy Bon Odori của riêng mình với nhạc và động tác khác nhau. Obon diễn ra vào giữa mùa hè, nên các vũ công thường mặc bộ quần áo truyền thống yukata hoặc một bộ kimono mỏng.
Lễ hội Obon kết thúc bằng tục Toro Nagashi, mang nghĩa "đèn lồng nổi". Với tục lệ này, người Nhật sẽ thả những chiếc lồng đèn giấy trôi xuôi dòng sông để tiễn đưa linh hồn người chết về với âm gian. Trong đêm này, người Nhật thường có màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu.
Xem thêm: Điều người Đài Loan kiêng kỵ trong tháng cô hồn
Vân Giang