Du lịch tới Thái Lan, ngoài ghé thăm các trung tâm mua sắm, thưởng thức những món ẩm thực thơm ngon... du khách còn được tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống thông qua những điệu múa. Múa Thái Lan có nhiều loại, đi theo từng câu chuyện hay đặc điểm văn hóa vùng miền khác nhau và thường có nội dung cụ thể. Dưới đây là một số điệu múa nổi bật sẽ được biểu diễn vào hai ngày 28 và 29/3 tại bảo tàng Dân tộc học.
Ngày 28-29/3, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phối hợp Học viện Nghệ thuật Bunditpatanasilpa, trực thuộc Bộ Văn hóa Thái Lan, Quỹ Thái Lan và Bảo tàng Dân tộc học sẽ đồng tổ chức sự kiện Văn hóa Thái Lan ngày cuối tuần.. |
Múa chọi gà
Múa chọi gà (Choi Kai) là một thú tiêu khiển mang tính thể thao của người Thái Lan từ xa xưa. Trò chơi này vui nhộn, đôi khi còn mang tính cá cược.
Do những điệu múa cổ điển Thái Lan từng bước thay đổi theo sự phát triển của xã hội, Choi Kai cũng được biên đạo dựa theo chuyển động cơ thể loài gà như đi lại, gáy, rỉa lông và kiếm mồi. Khi biểu diễn, những động tác này làm người xem liên tưởng đến cuộc chiến của những chú gà, thường mang tính giải trí cao.
Tế đấng tối cao
Đây là điệu múa lấy cảm hứng từ lễ hội Hoàng gia Ấn Độ, thời kỳ trước triều đại Ayutthaya. Lễ hội diễn ra nhằm tỏ lòng tôn kính đức vua - người được coi là hiện thân của Đấng tối cao Ấn Độ. Những diễn viên múa phải mang trang phục, phụ kiện tinh tế được miêu tả giống tranh chạm khắc tại các đền, chùa ở triều đại Ayutthaya.
Múa nến hoa
Nến hoa là điệu múa truyền thống biểu đạt sự tôn kính ở Thái Lan, hoa sen được coi là biểu tượng của sự may mắn. Nến thơm được lồng vào giữa phần bông sen để tạo các động tác múa, nhằm thể hiện sự kính trọng đến khán giả và cầu chúc mọi người hạnh phúc, mạnh khỏe.
Múa Norah
Là điệu múa dân tộc, Norah có nguồn gốc từ miền nam Thái Lan. Do bắt nguồn từ rất nhiều truyền thuyết khác nhau, Norah cũng mang các động tác múa đa dạng. Biên đạo cho bài múa này thay đổi theo thời gian nhưng luôn tuân thủ quy luật 12 điệu, 17 động tác với nhịp điệu nhanh nhẹ, vui tươi, trang phục sặc sỡ, phụ kiện bắt mắt. Nhạc cụ dùng cho điệu múa gồm trống, sáo và bộ chũm chọe.
Các diễn viên đang thể hiện một cảnh trong điệu múa Longtai, đến từ miền nam Thái Lan. |
Múa Khon
Múa Khon còn có tên gọi "Đuổi bắt nàng Supanna Match" - con gái của thần cá và Thotsakan, bạo chúa vùng Krung Longka (Sri Lanka), với nội dung xoay quanh cuộc đuổi bắt như một câu chuyện đầy kịch tính.
Trong hình hài nửa người nửa cá, Supanna Match trị vì một vùng đại dương bao la và được phong danh hiệu Nữ hoàng của các loài cá. Khi Pra Ram (Rama) ra lệnh cho quân đội xây một con đường nối đất liền với các hòn đảo thuộc vùng Krung Longka, nàng phải ẩn mình dưới những tảng đá nhằm che dấu thân phận. Tuy nhiên, một cận thần của Rama có tên Hanuman đã tìm ra khi đang trốn dưới đáy đại dương và bắt nàng.
Múa bốn mùa
Mỗi vùng, miền ở Thái Lan thường có điệu múa, tượng trưng cho các mùa khác nhau. Khi kết hợp cùng, chúng hòa quyện vào nhau tựa như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo của thời tiết. Trong đó, sự kết hợp hấp dẫn nhất có thể gồm điệu múa Fon Phang đến từ miền Bắc, Rub Kwan Khao ở miền Trung, Longtai đến từ miền Nam và KrubKab tại Đông Bắc.
Trần Hằng